Top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất và thấp nhất cả nước
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 2 địa phương với tỷ lệ hộ nghèo 0%.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 (KSMS 2021) là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
Báo cáo được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 47.000 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả KSMS 2021, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (13,4%). Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1 điểm phần trăm.
Xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì các hộ gia đình Việt Nam năm 2021 thiếu hụt nhiều về bảo hiểm y tế và giáo dục người lớn (mức độ thiếu hụt lần lượt là 17,8% và 11,3%).
Về tỷ lệ hộ nghèo, xét theo từng địa phương, Bình Dương và TP. HCM là 2 địa phương duy nhất có tỷ lệ hộ nghèo 0%. Xếp ngay sau còn có Bà Rịa-Vũng Tàu (0,2%), Đồng Nai (0,3%), Hà Nội (0,4%) và Đà Nẵng (0,4%).
Ngoài ra, top 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước còn có Bắc Ninh (0,6%), Hải Phòng (0,8%), Tây Ninh (0,8%) và Bình Thuận (1,3%).
Về phía ngược lại, tỉnh Điện Biên đứng đầu cả nước về tỷ lệ hộ nghèo với 34,5%. Xếp ngay sau là Sơn La (28,6%), Lai Châu (27,9%), Hà Giang (25%) và Cao Bằng (24,5%).
Ngoài ra, trong top 10 còn có Bắc Kạn và Kon Tum cùng tỷ lệ 20,65%, Gia Lai (16,9%), Lào Cai (14,8%) và Yên Bái (14%).
Có thể thấy các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao tập trung hầu hết tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, đây cũng là vùng có thu nhập thấp nhất cả nước (2,837 triệu đồng/người/tháng).
Hệ số bất bình đẳng theo thu nhập (GINI) của Việt Nam năm 2021 là 0,374, không biến động nhiều so với năm 2020 (0,373) và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị.
Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (tương ứng 0,428 và 0,418), Đông Nam Bộ là vùng có hệ số GINI thấp nhất (0,322).