Top 10 môi giới chứng khoán HOSE: VPS, SSI và VNDirect vẫn dẫn đầu, nhưng 7 vị trí còn lại đều có xáo trộn
Ngoài 3 cái tên lớn nhất, thì 7 công ty chứng khoán còn lại đều thay đổi thứ hạng so với quý 2. Trong đó, Mirae Asset, MBS và FPTS thăng hạng, trong khi HSC, Techcom Securities, VCSC và KIS tụt hạng.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 3/2022 của 10 công ty chứng khoán lớn nhất.
Theo đó, tổng thị phần của 10 công ty này đạt 67,65%, giảm nhẹ so với quý 2/2022.
3 vị trí dẫn đầu không thay đổi. Trong đó, VPS tiếp tục là công ty số 1 khi thị phần được nâng lên 18,71%. Trước đó, thị phần VPS đã giảm nhẹ trong quý 2/2022, chấm dứt chuỗi tăng 3 năm liên tiếp nhưng sang quý 3 VPS đã tiếp tục nâng thị phần của mình lên đỉnh cao mới.
Chứng khoán SSI duy trì vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng với thị phần 9,6%. SSI cho biết, trong bối cảnh thị trường biến động, công ty này tiếp tục đề cao việc quản trị rủi ro đối với hoạt động cho vay ký quỹ. Tại thời điểm 30/9/2022, dư nợ cho vay của SSI đạt mức 15.387 tỷ đồng.
Vị trí thứ 3 cũng không thay đổi, khi VNDirect nắm 7,73%.
Đáng chú ý, 7 vị trí còn lại của top 10 đều có sự xáo trộn. Trong đó, Mirae Asset từ vị trí thứ 6 quý trước nhảy 2 bậc lên vị trí #4 quý này, đẩy HSC (#5) và Techcom Securities (#6) cùng giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng.
MBS quý này đạt thị phần 4,73%, vượt qua chứng khoán Bản Việt (VCSC) để giữ vị trí #7, còn VCSC tụt xuống vị trí #8.
Ở hai vị trí còn lại, FPTS lên vị trí #9 với thị phần 2,99% trong khi KIS xuống vị trí #10, thị phần 2,75%.
Quý 3 vừa qua, dù thông tin tăng trưởng GDP của Việt Nam được công bố ở mức rất cao 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái song thị trường chứng khoán Qúy 3 nhìn chung khá ảm đạm, rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 2/2021.
Sau nhịp hồi phục kéo dài suốt tháng 7 và tháng 8, VN-Index đã quay lại với xu hướng giảm kể từ đầu tháng 9. Chỉ số kết thúc phiên cuối tháng 9 quanh vùng 1.132 điểm - giảm 11,6% so với thời điểm cuối tháng 8 và giảm 24,4% so với cuối năm 2021.
Vận động tiêu cực của thị trường do tác động của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là câu chuyện tăng lãi suất của FED kéo theo việc tăng lãi suất của các ngân hàng trong nước. Tiếp theo là câu chuyện room tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại ở mức hạn chế và NĐT nước ngoài liên tục bán ròng.
Tháng 9, giá trị giao dịch bình quân đạt 16.394 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm 2021.