Tổng thu từ thuế thu nhập cá nhân vượt 38% kế hoạch, đạt hơn 166.730 tỷ đồng
Tổng cục Thuế cho biết tổng số thu ngân sách nhà nước đối với thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đạt hơn 166.730 tỷ đồng, vượt kế hoạch 38%, tăng 27% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân được cho là việc bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa được sửa đổi phù hợp với thực tế. Điều này đã làm tăng thêm gánh nặng cho người lao động, trong khi thu nhập bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua.
‘Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao’
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế Việt Nam, thu ngân sách nhà nước đối với thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỷ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, thuế thu nhập cá nhân năm 2022 vượt so với mức dự toán đề ra đầu năm là 48.658 tỷ đồng, truyền thông trong nước đưa tin.
Đây cũng là số thu thuế thu nhập cá nhân cao nhất từ 10 năm trở lại đây, tăng gấp 3,5 lần so với số thu năm 2013 – thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng.
Đồng thời, tăng hơn 50%, tương ứng gần 57.000 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, tốc độ tăng thu thuế thu nhập cá nhân ngày càng cao qua các năm, đặc biệt trong những năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) nhưng số thu của sắc thuế này vẫn liên tục ghi nhận những mức kỷ lục.
Tổng cục Thuế nhận định số thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng cao một phần đến từ những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa được sửa đổi phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, tốc độ trượt giá đã tăng gấp nhiều lần so với 2013 trong khi thu nhập thực tế của người lao động giảm đáng kể, thuế thu nhập cá nhân đã và đang tạo gánh nặng cho chính người lao động.
Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh dù được điều chỉnh tăng nhưng vẫn chậm chạp so với diễn biến của giá cả trên thực tế hay biểu thuế lũy tiến quá dày, thiếu công bằng với người nộp thuế.
Lý giải số thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2022 vượt xa dự toán, Bộ Tài chính cho biết số thu tăng một phần nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán… được nộp trong quý 1/2022.
Cùng với đó, năm vừa qua, cơ quan thuế đẩy mạnh sử dụng ứng dụng eTax Mobile, mở rộng kết nối thêm với các ngân hàng, cung cấp các tiện ích đối với chức năng nộp thuế điện tử…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn Thuế VINASC, hiện nay, kinh tế thế giới và trong nước đều khó khăn, tình hình lạm phát, vật giá tăng cao, mức sống của người dân và vật giá ở từng vùng khác nhau, việc cố định giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là chưa sát thực tiễn, báo Người Lao Động đưa tin.
Ông Nam cho rằng các mức giảm trừ này cần điều chỉnh theo con số thực tế của mỗi cá nhân chi trả như: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí…
“Ngoài ra, hạn mức của các khoản được miễn thuế nên được nâng lên để phù hợp với tình hình lạm phát từng thời kỳ. Ví dụ, với mức phụ cấp tiền ăn trưa, tiền ăn giữa ca chi trả bằng tiền mặt được miễn thuế cố định tại 730.000 đồng/người/tháng thì chất lượng bữa ăn rất kém. Như vậy, người nộp thuế không thể tái tạo sức lao động, tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng, của cải cho xã hội, đồng thời đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn” , ông Nam nhận định.
Đức Minh
48.000 lao động ở Đồng Nai, Bình Dương bị mất việc
Từ tháng 6-10/2022, Đồng Nai đã cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Số lao động bị sa thải tại Bình Dương trong 10 tháng qua là 28.000 người.