Tổng thống Zelensky chuyển lễ Giáng sinh sang lịch Công giáo, đụng độ lịch Chính thống giáo

Chia sẻ Facebook
30/07/2023 01:40:00

Ngày lễ Giáng sinh Chính thống Giáo (7/1) ở Ukraine đã chính thức bị xóa bỏ để chuyển sang ngày 25/12, theo luật được ông Zelensky ký...

Ngày lễ Giáng sinh Chính thống Giáo (7/1) ở Ukraine đã chính thức bị xóa bỏ để chuyển sang ngày 25/12, theo luật được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký hôm Thứ Sáu (28/7). Hoạt động thay đổi lễ truyền thống này được vận động trong nhiều tháng qua và được giới chức theo phương Tây ủng hộ, và được miêu tả bằng ngôn ngữ chính trị là nằm trong phong trào bài Nga. Việc thay đổi 1 ngày lễ này không chỉ là thay đổi 1 ngày lễ truyền thống. Nó sẽ dẫn tới đụng độ với hàng loạt các ngày lễ khác mà hiện nay vẫn còn theo Chính thống Giáo bản địa — Lễ Phục sinh, Lễ Rửa tội Kiev Rus, Lễ Bảo vệ Đức Mẹ, v.v.

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Ukraine UOC Metropolitan Onufry đang truyền Thánh hỏa cho các tín đồ Ukraine ở Tu viện Các hang động Kyiv lễ phục sinh 16/4 năm nay. (Ảnh cắt từ video)


Báo chí phương Tây như BBCThe Guardian đều gọi đây là hành động bài Nga (chống Nga) “snub Russia” của chính quyền Zelensky, là “từ bỏ di sản lễ Giáng sinh của Nga” theo lời của ông Zelensky.


Vận động đổi ngày lễ Giáng sinh đã có từ lâu. Năm ngoái, chính quyền Zelensky đã ký luật cho phép ‘thêm’ ngày lễ Giáng sinh 25/12 theo Công giáo. Tháng trước, ông Zelensky đã bật đèn xanh cho dự luật 9431 ‘xóa’ ngày lễ Giáng sinh 7/1 theo Chính thống Giáo. Đến hôm 28/7, ông Zelensky chính thức ký thành luật.


Việc thay đổi này chắc chắn dẫn tới việc chênh lệch với hàng loạt các ngày lễ truyền thống ở xứ sở Ukraine này, vì nhiều ngày lễ khác vẫn là theo hệ thống của Chính thống Giáo.

Lịch Julius và lịch Gregory


Kitô giáo nguyên ban đầu là dùng theo lịch của La Mã thời bấy giờ, ta vẫn gọi là lịch Julius . Năm 1582, Giáo hoàng Công giáo Roma (Catholics) Gregory đã đưa ra bộ lịch mới, gọi là lịch Gregory , trên cơ sở điều chỉnh lại lịch Julius sao cho phù hợp hơn với thiên văn và thời tiết.


Điều đó dẫn tới việc: Cùng một ngày lễ của Kitô Giáo, nhưng sẽ được tổ chức vào các ngày khác nhau tùy theo Công giáo và Chính thống Giáo (Orthodox) —một nhánh khác của Kitô giáo, phổ biến ở Đông Âu, gồm cả Nga và Ukraine— vì Chính thống Giáo vẫn dùng theo lịch Julius. Sau này bản thân lịch Julius cũng được điều chỉnh để phù hợp với thiên văn và thời tiết, nhưng nó vẫn là chênh lệch 13 ngày so với lịch Gregory.


Thuận theo lịch sử thế giới phát triển, lịch Gregory nay đã trở thành hệ thống lịch phổ biến nhất thế giới, còn lịch Julius trở thành lịch của thiểu số.


Tình huống này khá tương tự như Việt Nam chúng ta.


Chúng ta vốn là dùng lịch Can Chi theo Trung Quốc —mà ta gọi là Âm lịch— nhưng hiện nay chúng ta đã chuyển sang chủ yếu dùng lịch Gregory —mà ta gọi là Dương lịch.


Tuy nhiên, với các ngày lễ truyền thống, thì Việt Nam chúng ta vẫn theo Âm lịch: Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, v.v. Rất nhiều các hoạt động mang tính truyền thống, như đám cưới đám hỏi, thông thường cũng được chọn ngày theo Âm lịch.


Không dễ dàng đổi 1 ngày nào đó sang lịch mới. Nó không chỉ dẫn đến việc thay đổi truyền thống, mà còn dẫn tới đụng độ hay chênh lệch. Bởi vì hệ thống các ngày lễ là có liên đới với nhau. Ví dụ như nếu đổi ngày Tết Nguyên Đán, nửa tháng sau đó là lễ cúng Rằm Tháng Giêng thì làm sao bây giờ? Nếu Tết Trung Thu mà đổi thành 1 ngày nào đó không phải ngày rằm trăng tròn thì nó có còn ý nghĩa không? v.v.


Những ngày lễ liên quan đến tôn giáo, và đồng thời tôn giáo đó lại phân nhánh, và lại liên quan đến lịch khác nhau do địa lý, thế thì cũng dẫn tới vấn đề tương tự.


Ví dụ Lễ Phật Đản ở Việt Nam.


Nhiều người Việt chúng ta thường hiểu Lễ Phật Đản là ngày rằm tháng Tư Âm lịch. Đó là một trong những cách diễn giải ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca. Trong quá khứ, cách diễn giải này được truyền vào Việt Nam theo Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) thì người ta có lễ Vesak . Lễ Vesak này là để kỷ niệm 3 sự kiện: Đức Phật đản sinh, thành đạo, và nhập niết bàn. Và hiển nhiên, lễ Vesak được tổ chức vào một thời điểm khác, và được tính theo cách khác.

Tại sao chính quyền Zelensky đổi ngày lễ Giáng sinh?


Theo miêu tả đăng trên truyền thông phương Tây, thì đó là để tách khỏi ảnh hưởng tinh thần của Nga. Và ngày Giáng sinh 7/1 được ông Zelensky miêu tả là “di sản lễ Giáng sinh của Nga.”


Nhưng vấn đề tuy Nga là quốc gia có đông tín đồ Chính thống Giáo nhất, và Giáo hội Chính thống Nga (ROC) là giáo hội đông tín đồ nhất trong nhánh Chính thống Giáo, nhưng Chính thống Giáo là thuộc về đức tin Kitô truyền thống, chứ không phải là sản phẩm của chính quyền Vladimir Putin hay của Liên bang Nga.


Theo BBCThe Guardian miêu tả, sự thay đổi này là do lịch Gregory chính xác hơn. Kỳ thực lịch Julius đã được điều chỉnh lại rồi, và lịch Julius cũng đồng dạng phù hợp với thiên văn và thời tiết.


Bất kể lý do của sự thay đổi này có đúng là để chống Nga hay không, thì sự thay đổi này là liên quan tới văn hóa truyền thống. Dù miêu tả thế nào, thì Nga và Ukraine là có chung tổ tiên, và văn hóa là có liên đới.


Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị và chiến tranh hiện nay ở Ukraine, những từ ngữ như ‘lịch của Nga’ ‘văn hóa Nga’ v.v. là có tính sát thương cao.

Thánh hỏa Holy Fire


Thánh hỏa Holy Fire là sự kiện có trong niềm tin Chính thống Giáo, nhưng không có trong hệ thống ngày lễ của Công giáo.


Ngay đêm trước ngày Chúa Kitô phục sinh, thì theo niềm tin Chính thống Giáo, sẽ xuất hiện Thánh hỏa tại Church of Holy Sepulcher (Ngôi mộ Thần thánh của Chúa).

Cảnh lấy Thánh hỏa từ Church of Holy Sepulcher năm nay (2023):

Tín đồ Chính thống Giáo dùng Thánh hỏa hơ mặt hay hơ tay của chính mình:


Việc lấy Thánh hỏa từ Sepulcher ở Jerusalem này được thực hiện bởi tu sỹ Kitô Giáo Giáo hội Hy Lạp một cách kín đáo. Sau đó nó được truyền ra ngoài, và tiếp đó có thể được đưa đến các nơi trên thế giới để truyền cho các tín đồ Chính thống Giáo.


Năm nay, Giáo hội Chính thống Ukraine UOC vẫn tiếp tục truyền thống này vào đúng ngày lễ Phục sinh. Tuy nhiên, giáo hội mới OCU —giáo hội được chính quyền Zelensky nâng đỡ và ủng hộ việc từ bỏ ngày lễ truyền thống của Chính thống Giáo để chuyển sang ngày lễ của Công giáo giống Tây Âu và Mỹ— thì không có hoạt động này.


Trước ngày lễ Phục sinh năm nay ở Ukraine, đã có những vận động để ban hành luật thay đổi ngày lễ Phục sinh, nhưng vận động đã không thành công.


Lễ phục sinh và niềm tin Thánh hỏa của Chính thống Giáo là một trong những sự kiện khiến việc thay đổi ngày lễ sẽ dẫn tới một số vấn đề liên quan tới niềm tin truyền thống. Thánh hỏa hiển nhiên không liên quan tới Nga. Kỳ thực, các ngày lễ của Chính thống Giáo nói chung cũng tương tự.


Nhật Tân

Hình ảnh ngày lễ Phục sinh diễn ra trái với tuyên truyền của chính quyền Ukraine Cảnh tượng Giáo hội Chính thống UOC được lòng dân hoàn toàn trái ngược với những gì mà chính quyền Kyiv tuyên truyền.

Chia sẻ Facebook