Tổng thống Zelensky “chiếm sóng” Davos, nhắc nhở về xung đột ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
18/01/2024 04:56:23

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dành 24 giờ quý báu ở Davos để làm mới sự quan tâm và ủng hộ dành cho Ukraine, hàn gắn quan hệ với đồng minh cũ...


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người từng phải dè dặt về việc rời khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá, gần đây đã thực hiện một loạt các chuyến công du chớp nhoáng để cố gắng tập hợp sự ủng hộ dành cho Kiev.


Tổng thống Ukraine đã dành 24 giờ để thuyết phục giới thượng lưu Phố Wall đầu tư và hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh cũ như một phần trong nỗ lực thúc đẩy nỗ lực chiến tranh đang chùn bước


Hôm 16/1, nhà lãnh đạo Ukraine đã “chiếm sóng” ngày đầu tiên của cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 tại Davos, nơi quy tụ các quan chức hàng đầu của Mỹ, EU, Trung Quốc, Nam Bán cầu…


Ông Zelensky dành 24 giờ để thuyết phục giới thượng lưu Phố Wall đầu tư và hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giữ cho cuộc chiến dài và phần lớn bế tắc của đất nước mình chống lại Nga không bị gạt ra khỏi tâm trí của các nhà lãnh đạo chính trị trong bối cảnh sự mệt mỏi của các nhà tài trợ phương Tây và lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông đang ngày càng tăng.


Thêm một “tầng lo lắng” cho Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) là nguy cơ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người thường khoe là có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin – có thể trở lại Nhà Trắng vào năm tới sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Iowa hôm 15/1.


24 giờ đàm phán và hàn gắn


Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Zelensky tới Davos với tư cách là Tổng thống Ukraine sau khi phát biểu qua video vào những năm trước, và ông đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như những người khác đang cố gắng có được một lời từ ông – trong khi nhà lãnh đạo này được bao quanh bởi một đội ngũ an ninh đông đảo.


Một nhóm mật vụ mặc bộ đồ tối màu và đeo tai nghe luôn bám sát ông Zelensky. Vệ sĩ riêng có mặt khắp khu nghỉ dưỡng Thụy Sĩ khi các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới tới đây, nhưng không ai phải đối mặt với những mối đe dọa như ông Zelensky.


Tổng thống Ukraine đến Thụy Sĩ trong bối cảnh ngày càng có cảm giác rằng động lực trên chiến trường đang nghiêng về phía Quân đội Nga trong khi các liên minh đã ủng hộ đất nước ông qua 2 năm giao tranh đang bắt đầu rạn nứt. Ông đã tận dụng 24 giờ quý báu ở Davos để làm mới câu chuyện.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay với CEO JPMorgan Jamie Dimon, tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 16/1/2024. Ảnh: Fox Business


Một ngày của ông Zelensky ở Davos được đánh dấu bằng cái bắt tay với ông Jamie Dimon, ông chủ của ngân hàng nổi tiếng nhất hành tinh: JPMorgan, và sau đó tham dự hội nghị thường niên của các chủ ngân hàng, nhà đầu tư và những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Họ gặp nhau hàng năm tại Davos để suy nghĩ những ý tưởng lớn và cố gắng giải quyết các vấn đề của thế giới, bao gồm làm thế nào để có tiền đầu tư vào tái thiết quốc gia Đông Âu bị tàn phá bởi chiến tranh và nền kinh tế Ukraine đang kiệt quệ.


Davos còn là sân khấu cho bài phát biểu trực tiếp của Tổng thống Ukraine nhằm xác thực những thách thức mà đất nước ông phải đối mặt, kêu gọi gia tăng áp lực trừng phạt Nga và tham gia tái thiết Ukraine. Ông Zelensky, mặc chiếc quần màu xanh ô liu và áo len cổ tròn màu đen, đã được chào đón bằng những tràng pháo tay khi bước lên sân khấu trong một căn phòng chật cứng hàng trăm người dự WEF, nơi quy tụ các doanh nhân và giới tinh hoa tài chính cấp cao.


Trong suốt 24 giờ cũng diễn ra những cuộc tiếp xúc song phương sôi nổi, bao gồm cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, và Tổng thư ký Jens Stoltenberg của NATO – tổ chức mà Ukraine luôn muốn gia nhập.


Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky và ông Stoltenberg đã thảo luận về tình hình trên chiến trường, hợp tác an ninh giữa Ukraine và Vương quốc Anh trong khuôn khổ Tuyên bố chung G7, tiến độ của các thỏa thuận tương tự với các đối tác khác, cũng như công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo ở Washington DC, nơi Kiev mong đợi các quyết định sẽ được đưa ra nhằm đưa Ukraine tới gần hơn với tư cách thành viên NATO.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trò truyện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 16/1/2024. Ảnh: Getty Images


Ông Zelensky kết thúc một ngày bận rộn ở Ukraine House với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ông Duda từng là “bạn tâm giao” của ông Zelensky trong giai đoạn đầu của cuộc chiến khi đã giúp duy trì mối liên hệ của Ukraine với thế giới bên ngoài. Ba Lan đóng vai trò là điểm trung chuyển cho hàng tỷ USD vũ khí phương Tây đổ về tiền tuyến và cho hàng nghìn tấn ngũ cốc Ukraine hướng tới thị trường toàn cầu.


Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa 2 bên nảy sinh khi ông Duda phải chịu áp lực từ những người nông dân Ba Lan đang phẫn nộ trước sự tràn lan của ngũ cốc Ukraine giá rẻ. Căng thẳng bùng lên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng 9 năm ngoái, khi ông Duda nói ông Zelensky giống như một người chết đuối, đe dọa kéo theo những người cố gắng giúp đỡ ông.


Tại cuộc họp báo của mình ở Davos, Tổng thống Ba Lan vẫn là người phá vỡ im lặng. Ông nói: “Việc chúng ta đang phải đối mặt với sự mệt mỏi với cuộc chiến này không phải là một bí mật lớn”. Nhưng ngay sau đó, ông đã đồng ý gặp mặt trực tiếp với ông Zelensky lần đầu tiên kể từ “cuộc khẩu chiến” ở New York. Cái ôm của hai nhà lãnh đạo tại Ukraine House có vẻ hơi khó xử, nhưng nó cho thấy họ sẵn sàng hàn gắn quan hệ.


Chủ đề của cuộc họp ở Davos là “xây dựng lại niềm tin”, và nó xuất hiện khi quan điểm đó đang lan rộng trên toàn cầu: Các cuộc chiến ở Trung Đông và châu Âu ngày càng chia rẽ thế giới thành các phe khác nhau.


“Không ai có thể một tay che cả bầu trời”


Tổng thống Zelensky đã sử dụng bài phát biểu tại Davos để bác bỏ mối đe dọa tiềm tàng về việc Washington sẽ rút chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.


Nhà lãnh đạo Ukraine nói, đại ý là “Không ai có thể một tay che cả bầu trời”, nhưng thừa nhận quan điểm của một số người trong Đảng Cộng hòa đã làm dấy lên lo ngại ở đất nước ông.


Đấu đá chính trị đã làm trì hoãn việc viện trợ quân sự nhiều hơn từ Mỹ, với việc DDảng Cộng hòa phản đối yêu cầu của vị Tổng thống Đảng Dân chủ, Joe Biden, đề nghị hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev trong cuộc chiến chống lại lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Và ông Trump, ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa, đã từ chối cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và thường xuyên tuyên bố rằng ông có thể kết thúc cuộc chiến “trong 24 giờ” nếu tái đắc cử vào Nhà Trắng.

Pháo binh Ukraine bắn về phía các vị trí của Nga trên tiền tuyến ở khu vực Luhansk, ngày 13/1/2024. Ảnh: NY Times


Vào tháng 12 năm ngoái, ông Zelensky đã từ chối trả lời khi được hỏi liệu chiến thắng của ông Trump có đe dọa nền độc lập của đất nước ông hay không. Tuy nhiên, hôm 16/1, tại Davos, ông Zelensky đã nói rằng “những tiếng nói cấp tiến thực sự khiến xã hội ở Ukraine sợ hãi”, không chỉ từ ông Trump mà còn từ “tiếng nói của một bộ phận đáng kể đảng viên Đảng Cộng hòa”.


Trong bài phát biểu, Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và tăng cường hỗ trợ cho Kiev để đảm bảo rằng Điện Kremlin sẽ không thành công trong cuộc chiến.


Ông cho rằng sự do dự của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine và lo ngại về sự leo thang trong cuộc chiến với Nga đang phải trả giá bằng thời gian, sinh mạng và có thể khiến cuộc chiến kéo dài thêm nhiều năm. Ông Zelensky tuyên bố ông phản đối mạnh mẽ việc đóng băng cuộc xung đột theo đường lối hiện tại.


Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow cần phải được thực thi đúng đắn và việc thiếu các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga là một minh chứng cho sự yếu kém của phương Tây.


Các nhà lãnh đạo EU và NATO lặp lại những lo ngại của ông Zelensky, nói với khách tham dự WEF rằng phương Tây không thể ngừng cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine nếu muốn Kiev thắng thế.


“Người Ukraine cần nguồn tài chính có thể dự đoán được trong suốt năm 2024 và xa hơn nữa. Họ cần nguồn cung vũ khí đầy đủ và bền vững để bảo vệ Ukraine và giành lại lãnh thổ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết.


Tổng thư ký NATO Stoltenberg, người cũng có bài phát biểu tại Davos, cho biết hỗ trợ cho Ukraine không phải là từ thiện mà là đầu tư vào an ninh của chính liên minh.


“Chúng ta chỉ cần đứng về phía Ukraine. Ở một giai đoạn nào đó, Nga sẽ hiểu rằng họ đang phải trả giá quá cao và ngồi xuống và đồng ý về một nền hòa bình công bằng nào đó – nhưng chúng ta cần sát cánh cùng Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

Pháo binh Ukraine đang chờ lệnh bắn về phía các vị trí của Nga trên tiền tuyến ở khu vực Luhansk, ngày 13/1/2024. Ảnh: NY Times


WEF diễn ra ở Davos trong bối cảnh quân đội Kiev đang trong thế phòng thủ hơn sau khi một cuộc phản công lớn năm ngoái không thể xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga ở khu vực phía Nam và phía Đông Ukraine.


Phát biểu vài giờ sau Tổng thống Ukraine, ông Putin khẳng định các lực lượng của ông đang chiếm thế thượng phong.


“Cuộc phản công của họ không chỉ thất bại mà quyền chủ động hoàn toàn nằm trong tay các lực lượng vũ trang Nga”, nhà lãnh đạo Nga nói trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 16/1.


“Nếu điều này tiếp tục, tư cách nhà nước của Ukraine có thể bị giáng một đòn rất nghiêm trọng và không thể khắc phục được”, Tổng thống Nga nói thêm.


Ông Putin cũng bác bỏ khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine, nói rằng nước này đã đưa ra “các công thức cấm đoán đối với tiến trình hòa bình” .


Minh Đức (Theo Bloomberg, NBC News, Sky News, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook