Tổng thống Ukraine đề xuất gặp ông Putin ở Jerusalem
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một người gốc Do Thái, gợi ý thành phố thiêng Jerusalem có thể là địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong thông điệp ghi hình phát ngày 21-3 trên mạng xã hội Telegram, ông Zelensky mô tả thành phố Jerusalem "là nơi thích hợp để tìm kiếm hòa bình".
Thành phố Jerusalem là nơi có ý nghĩa thiêng liêng với người Do Thái và người theo Hồi giáo, Công giáo. Không rõ điều này có ảnh hưởng đến đề xuất của ông Zelensky hay không, nhưng thực tế cho thấy Israel đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine.
Hôm 20-3, nhà lãnh đạo Ukraine đã có bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lập pháp Israel. Tổng thống Ukraine trước đó đã tranh thủ vận động sự ủng hộ từ giới nghị sĩ các nước thông qua các bài phát biểu trực tuyến ở Quốc hội Mỹ, Hạ viện Anh và Hạ viện Đức.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Israel (Knesset), Tổng thống Zelensky kêu gọi Israel từ bỏ nỗ lực duy trì trung lập. "Chúng ta có thể làm trung gian giữa các quốc gia nhưng không phải giữa thiện và ác", ông lập luận.
Israel đang nổi lên như một nhà trung gian hòa giải tiềm năng. Thủ tướng Israel Naftali Bennett từng bí mật đến Nga và gặp trực tiếp Tổng thống Putin trong 3 giờ đồng hồ hôm 5-3.
Theo Hãng thông tấn AFP, ông Bennett còn thường xuyên tổ chức các cuộc điện đàm với ông Zelensky và ông Putin, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với cả hai bên.
"Tất nhiên, Israel có lợi ích riêng và chiến lược quốc phòng cho công dân của họ. Chúng tôi hiểu tất cả những điều này", ông Zelensky nói trong video ngày 21-3 và cảm ơn nhà lãnh đạo Israel vì những nỗ lực trung gian hòa giải.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga và một số nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện thái độ sẵn sàng trở thành nơi tổ chức một sự kiện như vậy.
Đáp lại, phía Nga cho rằng cuộc gặp của ông Putin và ông Zelensky chỉ có thể được tính đến sau khi Nga và Ukraine hoàn tất đàm phán dự thảo hòa ước.
Tổng thống Zelensky đã nói rõ quan điểm của ông là chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình nhưng phải theo cách đảm bảo "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền" của Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ nói Nga và Ukraine gần đạt được thỏa thuận về các vấn đề nền tảng trong đàm phán, trong đó phần khó khăn nhất là về chủ quyền của Ukraine.