Tổng thống Putin sắp có bài phát biểu “khá dài” về kinh tế Nga
Nhiều doanh nhân tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2023, bày tỏ tin tưởng vào sự kiên cường của nền kinh tế Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 vào ngày 16/6, và sẽ có bài phát biểu cho thấy quan điểm của ông về sự phát triển của kinh tế toàn cầu và Nga, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Ông Peskov cho biết trên sóng Channel One hôm 15/6 rằng trong bài phát biểu tại SPIEF năm nay, ông Putin có thể đưa ra đánh giá về nền kinh tế Nga và nêu bật những triển vọng chính.
“Ít nhất, chúng ta có thể mong đợi một bài phát biểu rất dài từ Nguyên thủ Quốc gia. Quả thực, một bài phát biểu khá dài đã được chuẩn bị”, ông Peskov nói.
“Trước hết, chúng ta có thể mong đợi một đánh giá về nền kinh tế của chúng ta trong năm qua”, vị phát ngôn viên lưu ý. “Đây là điều quan trọng nhất. Các bạn biết rằng Tổng thống luôn thích đưa ra đánh giá chi tiết tại Diễn đàn và có thể sẽ vạch ra những triển vọng chính”.
Không sợ áp lực lớn
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 – sự kiện kinh tế và kinh doanh thường niên của Nga – được tổ chức từ ngày 14-17/6. Chủ đề của diễn đàn năm nay là: “Phát triển có chủ quyền – Nền tảng của một thế giới công bằng: Hợp lực vì các thế hệ tương lai”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Izvestiya Studio hôm 15/6, bên lề diễn đàn đang diễn ra ở St. Petersburg – thành phố lớn thứ hai và là một trung tâm tài chính và công nghiệp của Nga, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Nga đã thành công đối phó với áp lực chưa từng có của tập thể phương Tây.
“Nhìn chung, chúng ta đã thành công trong việc đối phó với áp lực chưa từng có đối với đất nước chúng ta”, ông Siluanov nói.
Nga đã có hiểu biết “cơ bản” về cách ứng phó với những thách thức cụ thể nên không sợ phải đối mặt với những rủi ro từ áp lực lớn hơn, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết. “Chúng ta đã thành thạo cách làm việc trong môi trường mới này”, ông bổ sung.
Thường được gọi là “Davos của Nga”, SPIEF 2023 quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, doanh nhân, chính khách và nhân vật công chúng đến để thảo luận các vấn đề liên quan đến cả nền kinh tế Nga và toàn cầu.
Khác với các diễn đàn trước, năm nay Ban tổ chức không thông báo trước đại diện của quốc gia nào đã xác nhận tham gia. Tuy nhiên, tại diễn đàn, nhiều doanh nhân bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế Nga.
Ông Pavel Lyakhovich, người đứng đầu đơn vị về polymer của Tập đoàn hóa dầu Sibur có trụ sở tại Moscow, cho biết nền kinh tế Nga đã chứng tỏ sự kiên cường trước những cú sốc bên ngoài, và một số nhà sản xuất Nga, mặc dù đã mất một số khách hàng quốc tế, nhưng vẫn có thể thay thế hàng hóa của các nhà sản xuất nước ngoài đã rời khỏi thị trường.
Thích nghi và phát triển
“Ví dụ, tại Sibur, chúng tôi đã phát triển các polymer thích hợp cho các ngành đóng gói và y tế mà trước đây phải nhập khẩu. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Nga đã thành công chuyển hướng xuất khẩu của họ từ Tây sang Đông”.
Năm ngoái, gã khổng lồ hóa dầu này đã cố gắng duy trì lợi nhuận ròng ở mức năm 2021, ông Lyakhovich cho biết. Sibur đã tung ra các sản phẩm mới, chẳng hạn như các loại polymer khác nhau, hóa chất đặc biệt và các loại khác, để thay thế hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, công ty đã tăng doanh số bán hàng sang Trung Quốc và Đông Nam Á vào năm ngoái và đang có kế hoạch tăng doanh số bán hàng ở các thị trường quốc tế khác, ông nói.
Ông Alexander Shevelev, Giám đốc Điều hành của Severstal, một trong những công ty khai khoáng và thép lớn nhất ở Nga, có cùng quan điểm với ông Lyakhovich.
Sau khi sản lượng giảm 8% vào năm ngoái, Severstal có kế hoạch khôi phục sản xuất về mức trước đó bằng cách xây dựng lại chuỗi cung ứng và chuyển hướng 80% tổng doanh số bán hàng sang thị trường nội địa và các thị trường nước ngoài mới, bao gồm cả châu Á.
“Hiển nhiên các ngành định hướng xuất khẩu của Nga, bao gồm cả ngành thép, là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây”, ông Shevelev cho biết. “Nga là nhà xuất khẩu thép lớn. Các doanh nghiệp Nga sản xuất khoảng 70 triệu tấn thép mỗi năm, và chỉ 40 triệu tấn được tiêu thụ trong nước. Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các thị trường xuất khẩu quan trọng của chúng tôi đã bị đóng cửa. Vì vậy, chúng tôi tất cả đều phải thích nghi đáng kể”.
“Tin tốt là mức giảm tiêu thụ kim loại ở Nga năm ngoái, chỉ ở mức 3%, không nghiêm trọng như người ta nghĩ trước đây”, ông Shevelev nói, cho biết thêm rằng tất cả các ngành tiêu thụ thép đều thể hiện sự ổn định tương đối trong điều kiện hiện tại, bao gồm cả nhờ các biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước .
Minh Đức (Theo TASS, China Daily)