Tổng thống Putin ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân mới

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 04:36:05

Nước Nga vừa kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân. Nhân dịp này, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân mới.


Học thuyết này xác định mối đe dọa chính đối với Nga là chiến lược của Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại các đại dương trên thế giới và quá trình Đông tiến của NATO. Cũng với văn bản mới này, nước Nga hoạch định tầm nhìn phát triển sức mạnh hải quân của mình, tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga trên các vùng biển.


Tham gia lễ duyệt binh hải quân chính trên sông Neva và ở cảng Kronstadt năm nay có 47 tàu chiến và ca nô, tàu ngầm và tàu buồm, 42 máy bay và trực thăng, cùng hơn 3.500 quân nhân. Tại lễ duyệt binh, Tổng thống Nga Putin đã công bố Học thuyết Hải quân mới đánh dấu các đường biên giới Nga, kể cả Bắc Cực và Biển Đen và tuyên bố bảo vệ lợi ích quốc gia bằng mọi cách.

"Chúng tôi sẽ bảo vệ vững vàng và bằng mọi cách, điều quan trọng ở đây là năng lực của hải quân. Lực lượng này có thể phản ứng cực nhanh đối với bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược trên biên giới của đất nước và ở bất kỳ khu vực nào trên biển, luôn sẵn sàng cho các hoạt động tích cực của các lực lượng - trên bộ, trên không và dưới mặt nước".

Tổng thống Nga Putin cho biết, hệ thống tên lửa Zircon sẽ bắt đầu được đưa vào trang bị cho hải quân Nga trong những tháng tới. Với tầm bay xa 1.500km, đây là tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên trên thế giới có khả năng thực hiện một chuyến bay khí động học dài.

Năm 2021, Nga đã tăng cường phát triển của lực lượng vũ trang với việc hiện đại hóa quy mô lớn của quân đội và hải quân. Kết quả là tỷ lệ vũ khí hiện đại trong quân đội đã vượt 71% và trong các lực lượng hạt nhân chiến lược là 89%.

Hơn 3 thế kỷ qua, Nga đã từng bước xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh với các đơn vị đa năng, có khả năng chống lại các mối đe dọa quân sự từ vùng biển. Ngày nay, trong dù bất kỳ điều kiện nào, hiện đại hóa hải quân vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước Nga.

Mục tiêu chính mà Học thuyết Hải quân hướng tới là gì?

Trong Học thuyết Hải quân mới, Nga xác định: Những thách thức và mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia và phát triển bền vững của Nga chính là lộ trình chiến lược thống trị các đại dương trên thế giới mà Mỹ đang theo đuổi cũng như xu hướng của NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía biên giới Nga. Học thuyết cho rằng, hoạt động của NATO nhằm đối đầu trực tiếp với Nga và các đồng minh là điều không thể chấp nhận.

Học thuyết Hải quân đặt ra mục tiêu chiến lược là nâng cao hiệu quả phòng thủ và bảo vệ biên giới trên biển của LB Nga, đồng thời tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga ở Biển Đen và Biển Azov, vốn là hai vùng biển nằm gần Nga và vùng ảnh hưởng của Nga. Ngoài ra, Bắc Băng Dương cũng là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Moscow. Tổng thống Nga Putin khẳng định, nước Nga ngày nay không thể tồn tại nếu không có một hạm đội mạnh và sẽ bảo vệ lợi ích của mình trên các đại dương khắp thế giới.

Học thuyết được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Hơn 10.000 lệnh trừng phạt đang nhằm vào Nga, trong khi NATO vẫn tiếp tục gia tăng áp lực quân sự bằng cách thúc đẩy việc mở rộng liên minh với việc kết nạp các thành viên mới sát sườn với nước Nga. Giới phân tích cho rằng, với việc đưa ra Học thuyết Hải quân mới, chỉ rõ Mỹ và NATO là các mối đe dọa, Nga đã có màn đáp trả đối với "khái niệm chiến lược mới" mà NATO công bố mới đây - vốn coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất.

Cùng với cam kết "bảo vệ vị thế cường quốc biển", Nga đã đưa ra một thông điệp rõ ràng - có thể sử dụng lực lượng quân sự tại các đại dương trên thế giới nếu các quyền lực mềm khác như các công cụ ngoại giao và kinh tế không đạt hiệu quả.

Trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh hải quân ở St Petersburg, sau khi ký thông qua Học thuyết Hải quân mới, Tổng thống Nga đã vạch rõ những ưu tiên đối với một số vùng biển chiến lược, khẳng định lực lượng Hải quân Nga có thể phản ứng nhanh trước bất kỳ sự xâm phạm chủ quyền và sự tự do. Trong thời gian tới, Hải quân Nga sẽ ưu tiên phát triển hợp tác chiến lược với Hải quân Ấn Độ cũng như hợp tác rộng rãi hơn với Iran, Iraq, Saudi Arabia và các quốc gia khác trong khu vực.

Chia sẻ Facebook