Tổng thống Philippines kêu gọi ASEAN không cúi đầu trước bá quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:41:44

Tổng thống Philippines kêu gọi ASEAN không cúi đầu trước bá quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã nhắc lại cam kết của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi ASEAN không cúi đầu trước bá quyền của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.

Ngày 6/9/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr. tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Adi Weda/POOL/AFP qua Getty Images)

Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia hôm thứ Ba (5/9), Tổng thống Marcos Jr. cho rằng lịch sử cuối cùng sẽ phán xét liệu nhà nước pháp quyền có thắng thế hay không, từ đó mở ra một kỷ nguyên mà tất cả các quốc gia đều thực sự bình đẳng, độc lập và không bị bất kỳ quyền lực nào đe dọa.

Ông Marcos Jr. cho biết, mặc dù Philippines cam kết tiếp tục hợp tác với tất cả các nước thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời duy trì và thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hàng hải của Philippines luôn bị thách thức.

Gần đây, lực lượng bảo vệ bờ biển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngăn chặn Philippines tiếp tế cho hải đội của họ đóng trên Bãi Cỏ Mây (bãi cạn Second Thomas) bằng vòi rồng. Điều này một lần nữa làm dấy lên các phản đối ngoại giao ở Philippines.

Một trong những tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là quyền sở hữu Bãi Cỏ Mây. Philippines đặt tên là Ayungin, còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, trong khi phía Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.


Ngày 5/8, nhằm bênh vực đồng minh Philippines trong sự kiện ở Bãi Cỏ Mây, Bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định: “Một cuộc tấn công vũ trang các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả lực lượng Tuần Duyên Philippines ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines năm 1951”.

Hôm thứ Tư (6/9), ông Marcos Jr. cho biết không tìm kiếm xung đột, nhưng với tư cách là một công dân và lãnh đạo đất nước, ông luôn đứng lên trước mọi thách thức đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hàng hải của Philippines ở Biển Đông.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Marcos Jr. đã chứng kiến ​​hành vi bắt nạt liên tiếp của ĐCSTQ ở Biển Đông. Chính phủ Philippines của ông đang nhanh chóng tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và các đồng minh.


Trang tin Rappler đưa tin, Đại sứ Philippines tại Mỹ, ông Jose Manuel Romualdez, nói với truyền thông Philippines tại Indonesia rằng theo lời mời của Mỹ và Nhật Bản, dự kiến ông Marcos Jr. sẽ hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thứ Năm (7/9).

Ông cho rằng các cuộc đàm phán 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines rất có thể sẽ thảo luận về tranh chấp Biển Đông và các vấn đề hợp tác kinh tế.

Tổng thống Marcos Jr. cho biết, hợp tác hàng hải có ý nghĩa quan trọng đối với Philippines, và chỉ có thể thực hiện được ở những khu vực an toàn và ổn định.

Ông nhấn mạnh rằng hợp tác thực tế trong lĩnh vực hàng hải chỉ có thể phát triển trong môi trường thuận lợi về hòa bình, an ninh và ổn định khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Gần đây, ĐCSTQ đã bắn vòi rồng để ngăn chặn một tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho một hải đội đóng trên tàu đổ bộ BRP Sierra Madre ở Bãi cạn Second Thomas, làm dấy lên một tranh chấp ngoại giao khác về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.


Trung Quốc cho biết, các tàu Philippines đã đi vào “lãnh thổ” của họ, nhưng Chính phủ Philippines lại khẳng định khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.


Vài ngày sau, ĐCSTQ công bố phiên bản bản đồ chuẩn năm 2023, trong đó bao gồm “Đường 9 đoạn” (hay Đường 10 đoạn) – bao gồm các khu vực của Đài Loan, hầu hết Biển Tây Philippines, quần đảo Kalayaan, và gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Philippines bác bỏ bản đồ mới của ĐCSTQ, gọi đây là một nỗ lực khác của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông. Tuy nhiên, chủ quyền và quyền tài phán này không có cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).


Năm 2016, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ đối với “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Kể từ khi Marcos Jr. nhậm chức Tổng thống, ông chưa hề lùi bước trước ĐCSTQ trong vấn đề Biển Đông. Philippines kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm, và tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chồng chéo với tuyên bố của nhiều quốc gia thành viên ASEAN.


Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Marcos Jr. đã nói về cuộc đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông” (CoC) gần đây tại thủ đô Manila, Philippines. Ông nói đã đạt được một số tiến triển trong việc thảo luận các vấn đề quan trọng, và đánh giá ban đầu về “Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất” (SDNT).

Ông nói thêm rằng việc sớm ký kết một CoC hiệu quả và thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vẫn là mục tiêu của ASEAN.

Tuyên bố cho biết thêm, Malaysia và Singapore cũng thúc đẩy việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN.


Bình Minh (t/h)

[Độc quyền] ĐCSTQ đứng sau các công viên lừa đảo tại Myanmar

Ông Xà Trí Giang, hiện bị giam tại nhà tù ở Thái Lan, tiết lộ với Vision Times sự hợp tác sâu sắc giữa các nhóm lừa đảo ở Đông Nam Á và ĐCSTQ.

Chia sẻ Facebook