Tổng thống Pháp thúc giục dân tiết kiệm năng lượng do lo ngại Nga cắt khí đốt
Mục tiêu mà ông Macron đưa ra, đó là đến năm 2024, nước Pháp sẽ tiêu thụ năng lượng ít hơn 10% so với mức tiêu thụ hiện nay và đánh giá, người dân Pháp cần ý thức được thực tế mới này càng sớm càng tốt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/7 kêu gọi dân chúng Pháp học cách giảm tiêu thụ năng lượng ngay lập tức đồng thời thông báo chính phủ Pháp sẽ sớm công bố chính sách tiết kiệm năng lượng ngay trong Hè này do lo ngại việc Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt sẽ đẩy nước Pháp và châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền hình TF1 và France 2 ngay sau buổi lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận nước Pháp cần phải chuẩn bị ngay lập tức vào thời điểm này để ứng phó với kịch bản Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ông Macron cũng thông báo chính phủ Pháp sẽ công bố ngay trong Hè này một kế hoạch tiết kiệm năng lượng, đồng thời kêu gọi người dân Pháp học cách sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hợp lý, hạn chế tối đa các hoạt động không thiết yếu như chiếu sáng ban đêm, hay đun nước nóng trong mùa Hè.
“Chúng ta cần phải giảm việc tiêu thụ năng lượng để vượt qua giai đoạn cao điểm tiêu thụ vào mùa Đông năm nay, vì nước Pháp sẽ cần phải trợ giúp các nước châu Âu khác. Cần phải hành động để làm sao tránh được việc gián đoạn toàn bộ nguồn cung năng lượng và cố gắng tối đa việc tạm ngưng các hoạt động kinh tế”.
Trước Tổng thống Macron, cách đây vài tuần 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Pháp cũng đã cùng ra thông cáo kêu gọi người dân Pháp tiết kiệm năng lượng ngay lập tức do lo ngại nguồn cung khí đốt sẽ gián đoạn nghiêm trọng trong thời gian tới.
Hiện nay, Pháp cùng nhiều quốc gia châu Âu khác đang hết sức lo ngại việc Nga sẽ cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 1” sau khi tạm đóng đường ống này để bảo trì từ hôm 11/07. So với nhiều nước khác tại châu Âu như Đức hay Italia, Pháp ít phụ thuộc hơn vào khí đốt từ Nga khi chỉ nhập khẩu khoảng 17% lượng khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp Nga cắt khí đốt, châu Âu chắc chắn sẽ rơi vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và Pháp sẽ phải sẽ chia lượng dự trữ khí đốt cho các nước khác. Dự kiến, ngày 20/7 tới Uỷ ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch ứng phó khẩn cấp với kịch bản Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt mà trọng tâm sẽ là việc xây dựng cơ chế trợ giúp, chia sẻ khí đốt giữa các nước EU.
Cũng trong ngày 14/7, Uỷ ban châu Âu cũng đã công bố bản Dự báo kinh tế Hè trong đó đánh giá cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra các tác động tiêu cực khiến tăng trưởng kinh tế tại châu Âu suy giảm. Uỷ ban châu Âu dự đoán, tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone trong năm 2022 chỉ ở mức 2,6% còn tăng trưởng trung bình của toàn bộ 27 nước EU là 2,7%. Đây là các con số thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm nay là 4%. Bước sang năm 2023, tình hình còn bi quan hơn khi tăng trưởng trung bình của EU được dự báo sẽ chỉ ở mức 1,4%./.