Tổng thống Pháp Macron phá vỡ im lặng, ủng hộ cải cách hưu trí

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 10:22:28

Các chính trị gia đối lập cho rằng ông Macron đang “đổ thêm dầu vào lửa”, mà không cung cấp “đủ giải pháp cho cuộc khủng hoảng” do cải cách hưu trí gây ra.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/3 đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ khi chính phủ của ông sử dụng biện pháp buộc quốc hội thông qua kế hoạch cải cách hưu trí gây tranh cãi.

“Dự luật này sẽ tiếp tục con đường dân chủ của nó”, ông Macron nói. Hội đồng Hiến pháp bây giờ phải phê chuẩn để dự luật có hiệu lực.

Trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình TF1 và France 2 hôm 22/3, ông Macron cho biết ông muốn cải cách hưu trí của chính phủ có hiệu lực vào cuối năm nay, khẳng định điều đó là “cần thiết” bất chấp các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Theo ông Macron, chính phủ đặt mục tiêu đưa nước Pháp trở lại bình thường “càng sớm càng tốt”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được nhìn thấy trên màn hình vào ngày 22/3/2023 khi ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình từ Cung điện Elysee. Ảnh AFP/The Local

Phát biểu trên truyền hình trước toàn quốc, Tổng thống Macron tuyên bố, ông sẵn sàng chấp nhận mất lòng dân do hậu quả của việc áp đặt kế hoạch cải cách chế độ hưu trí.

“Nếu phải lựa chọn giữa các cuộc thăm dò dư luận trong ngắn hạn và lợi ích chung của đất nước, tôi chọn lợi ích chung của đất nước”, ông Macron nói.

“Nếu hôm nay cần phải chấp nhận mất lòng dân thì tôi sẽ chấp nhận”, ông nói thêm, đồng thời thừa nhận rằng ông đã “không thành công trong việc thuyết phục” đất nước về cải cách.

Ngoài ra, đề cập đến Thủ tướng Elisabeth Borne, Tổng thống Pháp cho biết ông vẫn tin tưởng bà ấy sẽ tiếp tục điều hành tốt chính phủ.

Người biểu tình tại nhà ga đường sắt Lyon Perrache ở Lyon, Pháp, ngày 21/3/2023. Ảnh: Grid News

Bình luận về cuộc phỏng vấn trên truyền hình của ông Macron, nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen của Đảng National Rally (Tập hợp Quốc gia) nói rằng Tổng thống Pháp đã khoét sâu thêm cảm giác “bị coi thường” của người dân.

Lãnh đạo Đảng Socialist (Xã hội) Olivier Faure lên án ông Macron đổ thêm dầu vào “ngọn lửa vốn đang cháy mãnh liệt”.

Ông Philippe Martinez, người đứng đầu Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT) theo đường lối cứng rắn, nói rằng những bình luận của ông Macron cho thấy “sự khinh thường đối với hàng nghìn người đang biểu tình”.


Đã có những cuộc đụng độ mới giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở trung tâm Paris vào cuối ngày 21/3, lặp lại cảnh tượng trong những ngày qua với việc hàng trăm người bị bắt giữ.

Khi các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt đình công và biểu tình mới vào ngày 23/3, cuộc chiến về cải cách hưu trí được cho là cuộc khủng hoảng trong nước lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Macron.

Các hiến binh Pháp bảo vệ khu vực sau khi sơ tán lối vào cảng dầu ở Donges, Pháp, ngày 21/3/2023. Ảnh: Grid News

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Macron chỉ ở mức 28%, mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2019, thời điểm kết thúc các cuộc biểu tình Áo vàng. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ít nhất 70% người Pháp phản đối cải cách hưu trí.

Sẽ rất khó để Tổng thống Macron “sang trang” về kế hoạch cải cách hưu trí gây tranh cãi, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Paris 8 Yves Sintomer nói với France24 khi thảo luận về cuộc phỏng vấn trên truyền hình của ông Macron.


Ông Sintomer cũng đặt câu hỏi về khả năng chính quyền điều hành nước Pháp chống lại “hàng triệu người xuống đường”.

Thành viên các nghiệp đoàn sẽ không hài lòng về “bất cứ điều gì họ nghe thấy”, ông Marc Perelman, biên tập viên chính trị của France24, cho biết, và nói thêm rằng kết quả cuối cùng có thể sẽ xuất hiện trong vài tuần tới “trên đường phố Pháp hơn là trong hội trường quốc hội”.

Đây là lần thứ hai ông Macron cố gắng thay đổi hệ thống hưu trí của Pháp, một trong những hệ thống hào phóng nhất trong số các quốc gia thành viên EU.

Ông Macron lập luận rằng hệ thống này phải được cải cách để đất nước có thể duy trì khả năng chi trả chế độ hưu trí. Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ của ông đang tìm cách tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu ở Pháp từ 62 lên 64.

Nhưng các nghiệp đoàn Pháp lập luận rằng động thái này đe dọa quyền của người lao động. Thay vào đó, họ đề xuất đánh thuế đối với những người giàu có hoặc đóng góp cao hơn từ người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí, để giữ cho nguồn thu của chính phủ ổn định.


Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng những thay đổi trong chế độ hưu trí của ông Macron là không công bằng đối với những người làm việc từ khi còn trẻ với những công việc nặng nhọc về thể chất và những phụ nữ phải gián đoạn sự nghiệp để nuôi con. Điều này là do nó cũng làm tăng số năm một người phải làm việc để hưởng lương hưu đầy đủ .


Minh Đức (Theo DW, The Local, France24)

Chia sẻ Facebook