Tổng thống Nga nói về lý do tấn công Ukraine trong Thông điệp Liên bang
Ngày 21/2, tại hội trường tòa nhà Gostiny Dvor ở Thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang thường niên trước 1.500 thành viên Quốc hội và khách mời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu lý do mở chiến dịch quân sự đặc biệt, thông tin về thành tựu trong nước,…
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh Moscow có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo an ninh và phát triển, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Lý do Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ yếu tập trung vào tình hình ở Ukraine, nơi Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt kể từ ngày 24/2/2022.
Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định, Nga đã cố gắng đối thoại với phương Tây nhiều năm qua, nhưng luôn bị phớt lờ, từ chối. Nga đã buộc phải can thiệp để bảo vệ những người dân sống trên vùng đất lịch sử của Nga. Chiến dịch quân sự đặc biệt không chống lại người dân Ukraine, mà để tìm cách giải thoát cho "những con tin của phương Tây" (ông Putin cho rằng người dân Ukraine là “con tin” trong cuộc xung đột vì Ukraine đang bị sử dụng làm công cụ và bệ phóng cho cuộc xung đột chống Nga).
"Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn với người dân Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Các bạn đã tự quyết định tương lai của mình, lựa chọn cùng đi với nước Nga", Tổng thống Nga nói.
Ông Putin nêu rõ, trong thế giới đương đại, không nên có sự phân chia các quốc gia văn minh và tất cả các quốc gia còn lại. Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng lại nhận về phản ứng không rõ ràng.
Người đứng đầu điện Kremlin khẳng định, nước Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước mọi âm mưu chia rẽ, cho biết đa số người dân nước này ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Putin cũng bày tỏ sẻ chia với những khó khăn mà người thân của các binh lính Nga đang trải qua, đồng thời cam kết, chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ đặc biệt với việc thành lập một quỹ mới dành riêng cho kế hoạch này.
Chỉ trích giới lãnh đạo phương Tây
Trong Thông điệp Liên Bang, Tổng thống Nga cho rằng chính phương Tây khơi mào cuộc xung đột ở Ukraine và nói rằng các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tìm kiếm một “quyền lực vô hạn" trong các vấn đề thế giới.
Chủ nhân Điện Kremlin tiết lộ, Kiev đã đàm phán với phương Tây để cung cấp vũ khí cho Ukraine từ trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Đồng thời cáo buộc phương Tây đã lừa dối chính người dân của họ về những gì đang xảy ra ở Donbass.
“Tôi muốn nhắc lại, họ đã bắt đầu chiến tranh, và chúng tôi đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn nó”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng cho rằng phương Tây đang muốn kéo dài cuộc xung đột tại Ukraine. Ý đồ này thể hiện qua số tiền viện trợ 150 tỷ USD và việc cung cấp ngày càng nhiều vũ khí tầm xa cho Kiev.
Phương Tây đang tự làm khó mình với các biện pháp trừng phạt Nga
Khi đề cập tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định, nền kinh tế của Nga vẫn ổn định. Tuy GDP có sụt giảm nhưng thị trường nội địa đang tăng trưởng tốt và Moscow có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển.
Theo ông Putin, thị trường lao động được cải thiện rõ rệt. Trước đại dịch Covid-19 , tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, trong khi hiện tại là 3,7%, mức thấp trong lịch sử.
Về nông nghiệp, ông Putin cho hay: "Ngành nông nghiệp Nga đã thu hoạch kỷ lục, hơn 150 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có hơn 100 triệu tấn lúa mì. Cho đến ngày 30/6, chúng ta sẽ có thể xuất khẩu 55-60 triệu tấn ngũ cốc. Khoảng 10-15 năm trước, đây dường như là một kế hoạch hoàn toàn không thể đạt được. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự báo tăng mạnh. Tôi tin các doanh nghiệp của chúng ta sẽ tận dụng được tình hình, tận dụng thị trường sau khi doanh nghiệp phương Tây rời đi".
Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga có tất cả nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia, bất chấp biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các công ty Nga đã xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ và Moscow đang hợp tác với các nước khác để xây dựng các hệ thống thanh toán cũng như cấu trúc tài chính mới.
"Phương Tây đang tự làm khó mình với các biện pháp trừng phạt. Họ gây ra tình trạng lạm phát trong nước, làm nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạo ra khủng hoảng năng lượng, sau đó nói rằng tất cả là lỗi của Nga", ông Putin nói.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, chính phủ Nga đã phân bổ 1.000 tỷ Rúp (hơn 13 tỷ USD) để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo Tổng thống Nga, lạm phát của nước này sẽ đạt mức 4% vào quý II năm 2023, đây là một mức thấp so với nhiều quốc gia EU. Bên cạnh đó, Moscow sẽ tiếp tục phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế độc lập với đồng USD và các loại tiền tệ khác của phương Tây.
Nga trang bị hiện đại cho lực lượng hạt nhân
Liên quan đến lực lượng hạt nhân, ông Putin cho hay: "Mức độ trang bị vũ khí hiện đại cho lực lượng hạt nhân của Nga ở khoảng 91%-91,3%. Dựa vào kinh nghiệm đã có, chúng ta cần đạt mức trang bị tương tự cho tất cả các đơn vị của quân đội", ông Putin cho hay.
Ông Putin cũng tuyên bố, Nga tạm dừng việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) với Mỹ, nhưng nhấn mạnh Moscow sẽ không rút khỏi hiệp định này. Trước đó, ông Putin chia sẻ rằng chính Mỹ đã tự rút khỏi các thỏa thuận vũ khí cơ bản, trong đó có Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Được biết, New START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn hoạt động duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước INF hồi năm 2019. Năm 2021, Mỹ và Nga đã đồng thuận gia hạn New START mới thêm 5 năm. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để vận chuyển chúng.
Theo các chuyên gia, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Nga và Mỹ nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn cầu.
Khép lại Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin khẳng định, việc đánh bại Nga bằng vũ lực là không thể, nhưng phương Tây sẽ cố gắng gây ra một "thất bại chiến lược đối với Moscow".
"Phương Tây muốn chuyển xung đột cục bộ thành xung đột đầu toàn cầu. Đây là cách chúng tôi nhìn nhận vấn đề và sẽ đưa ra những đối sách tương ứng", ông Putin nói .
Quốc Tiệp (theo TTXVN, vietnamnet, cand.com)