Tổng thống Mỹ ký lệnh cấm đầu tư công nghệ vào Trung Quốc
Lệnh hành pháp vừa được ký ban hành cấm các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ nhạy cảm, và chính phủ sẽ tăng cường giám sát hoạt động của các lĩnh vực công nghệ khác.
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp liên quan đến việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc.
Đây là sắc lệnh có thời gian chờ phê duyệt kéo dài. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ có quyền cấm hoặc hạn chế các công ty nước này đầu tư vào các thực thể ở Trung Quốc ở 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cho biết lệnh hạn chế sẽ chỉ áp dụng ở “phạm vi hẹp” gồm những lĩnh vực nhạy cảm nhất, song không đưa ra thêm thông tin chi tiết.
Sắc lệnh mới của Mỹ nhằm ngăn chặn nguồn vốn và kỹ thuật chuyên môn từ phía Mỹ được đổ vào Trung Quốc, giúp quốc gia tỷ dân phát triển công nghệ và từ đó hỗ trợ hiện đại hóa quân đội, làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Các nhóm doanh nghiệp của Mỹ có khả năng chịu tác động từ sắc lệnh này bao gồm các công ty tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty liên doanh và các khoản đầu tư mới (một hình thức của FDI, trong đó công ty mẹ lập ra công ty con ở một quốc gia khác và bắt đầu hoạt động kinh doanh lại từ đầu).
Trong văn bản gửi đến Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước các mối đe dọa từ sự tiến bộ vượt bậc của các nước như Trung Quốc trong “công nghệ và sản phẩm liên quan mang tính nhạy cảm, quan trọng với quân đội, tình báo và an ninh mạng”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện của Nhà Trắng, ngày 25/7/2023 - Ảnh: Reuters
Về phản ứng của Trung Quốc, nước này cho biết 'quan ngại sâu sắc' trước lệnh hành pháp mới của Mỹ, đồng thời tuyên bố họ có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng.
Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo khẳng định động thái của Mỹ làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và việc ra quyết định của doanh nghiệp, đồng thời làm suy yếu trật tự thương mại, tác động xấu đến kinh tế quốc tế.
Cơ quan này cũng cho biết họ hy vọng phía Mỹ tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, hạn chế 'cản trở một cách giả tạo việc trao đổi và hợp tác kinh tế - thương mại trên toàn cầu, tránh gây trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới'.