Tổng thống Mỹ công du Trung Đông nhằm hạ nhiệt giá dầu
Một trong những sự kiện đáng chú ý hôm nay (13/7) là chuyến thăm Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden.
Với việc Mỹ và phương Tây đang muốn siết chặt trừng phạt Nga, chuyến đi này được cho là cơ hội để ông Biden thuyết phục các đồng minh như Saudi Arabia bơm thêm nguồn cung dầu vào thị trường và góp phần hạ nhiệt cơn sốt giá xăng dầu hiện nay.
Giá dầu trong tuần trước tại Mỹ được ghi nhận giảm, tuy nhiên vẫn trên 100 USD/thùng. Sản lượng dầu thô và sản lượng dầu tinh chế của thế giới vẫn đang phải vật lộn để theo kịp với đà phục hồi của nhu cầu sau đại dịch và sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga sau chiến sự tại Ukraine.
Diễn biến của giá xăng dầu cũng được đánh giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ cuối năm nay, khi tỷ lệ tín nhiệm với Tổng thống Biden hiện chỉ đạt gần 40%.
"Tôi sẽ hỏi tất cả các quốc gia vùng Vịnh và chỉ ra với họ rằng họ nên tăng sản lượng dầu nói chung. Tôi hy vọng mọi người đều nhìn thấy lợi ích trong đó", Tổng thống Joe Biden cho hay.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Trung Đông thể hiện mối quan hệ giữa ông với Saudi Arabia và các đối tác OPEC đã tan băng đáng kể. Trước đó, Saudi Arabia cũng đã đưa ra một động thái mang tính "hòa giải" trước chuyến thăm của ông Biden, bằng cách chỉ đạo liên minh OPEC+ tăng sản lượng thêm 648 nghìn thùng dầu/ngày vào tháng này và tháng tới, cao hơn mức tăng 432 nghìn thùng/ngày trước đó.
Ông Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói: "Chúng tôi đã thấy OPEC thực hiện một bước đi có ý nghĩa liên quan đến việc tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 7 và tháng 8. Chúng tôi hoan nghênh bước đi tích cực đó và chúng tôi sẽ có cơ hội trong chương trình nghị sự để nói chuyện về an ninh năng lượng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong khối OPEC ở Trung Đông".
Dù vậy, khả năng duy trì tăng sản lượng của Saudi Arabia hiện vẫn là dấu hỏi. Hãng dầu lửa nhà nước Aramco cho biết, họ có thể đạt và duy trì sản lượng tối đa 12 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên dữ liệu của OPEC cho thấy, Saudi Arabia mới chỉ duy trì mức này 1 lần duy nhất trong nhiều thập kỷ đó là tháng 4/2020.