Tổng thống Iran thăm Syria, Mỹ cảnh báo mối lo lớn
Mỹ tuyên bố không ủng hộ bình thường hóa quan hệ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cũng không ủng hộ các nước khác làm như vậy.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus hôm 3/5 trong chuyến thăm đầu tiên của một Nguyên thủ Iran kể từ năm 2010, một năm trước khi nội chiến Syria bùng phát.
Tehran là một trong những đồng minh kinh tế và quân sự lớn của Damascus, cung cấp cho Syria các sản phẩm phái sinh dầu mỏ, cũng như các hàng hóa khác mà nước này không có quyền tiếp cận do các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn đối với chính quyền của ông al-Assad.
“ Quan hệ anh em”
Tại cuộc hội đàm cấp cao, ông Raisi ca ngợi Syria vì đã chống lại điều mà ông mô tả là áp lực từ Mỹ và đối đầu với các lực lượng thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Đất nước, chính phủ và người dân Syria đã trải qua những khó khăn to lớn, và hôm nay chúng tôi có thể nói rằng các vị đã vượt qua tất cả những khó khăn này và giành được chiến thắng bất chấp các mối đe dọa và các lệnh trừng phạt được áp đặt lên các vị”, ông Raisi được truyền thông nhà nước Iran và Syria dẫn lời.
“Nhiều thay đổi trong và ngoài khu vực đã không thể tác động đến mối quan hệ anh em giữa hai nước, và Iran và Syria đã chứng minh được lập trường đúng đắn của mình”, ông Raisi nói. “Iran sẽ luôn sát cánh cùng Syria... và ủng hộ chủ quyền của nước này”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Raisi và ông al-Assad đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn, bao gồm một bản ghi nhớ về hợp tác trong ngành dầu mỏ, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin.
Tehran đã cung cấp hạn mức tín dụng cho chính phủ của ông al-Assad và giành được các hợp đồng kinh doanh béo bở trong ngành viễn thông và khai thác mỏ, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Chuyến thăm của ông Raisi diễn ra trong bối cảnh Iran và đối thủ trong khu vực là Ả Rập Xê-út xây dựng lại quan hệ sau nhiều năm căng thẳng, và khi các quốc gia Ả Rập từng xa lánh ông al-Assad cũng đang tái thiết quan hệ với chính phủ của ông.
Ông al-Assad, trong khi phát biểu bên cạnh ông Raisi, hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê-út. Nhà lãnh đạo Syria cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc gặp giữa các quan chức từ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran tại Moscow.
Các quan chức Syria đã nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Damascus và Ankara chỉ có thể diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý rút hàng nghìn binh sĩ mà nước này đang đồn trú ở khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía Tây Bắc Syria.
Các quốc gia Ả Rập đã cô lập Syria kể từ cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Nhưng giờ đây họ đang phát triển một lộ trình nhằm đưa Syria tái hòa nhập vào cộng đồng Ả Rập.
Nguồn gây lo lắng
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Washington không có kế hoạch nối lại quan hệ với chính quyền Damascus kể từ khi các cuộc biểu tình lan rộng biến thành xung đột ở Syria vào năm 2011.
Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã nhắc lại quan điểm này với Newsweek vào tháng trước.
Ông cùng với người phát ngôn của Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cũng khẳng định tính hợp pháp theo luật pháp Mỹ và quốc tế về sự hiện diện của khoảng 900 lính Mỹ được triển khai ở phía Đông Bắc Syria cùng với các lực lượng do người Kurd lãnh đạo, và ở phía Đông Nam nước này cùng với các nhóm đối tác tại căn cứ quân sự Al-Tanf bất chấp yêu cầu của Syria về việc rút quân.
Các lực lượng này của Mỹ, chính thức được giao nhiệm vụ chiến đấu với các phần tử ISIS, đã nhiều lần hứng chịu hỏa lực từ các lực lượng mà Lầu Năm Góc mô tả là lực lượng dân quân liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Căng thẳng leo thang hồi cuối tháng 3 với việc một nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một căn cứ gần Hasakah ở Đông Bắc Syria, và sau đó là hàng loạt các cuộc không kích trả đũa của Mỹ.
Tehran đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công chống lại nhân viên của Mỹ ở Syria, nhưng đã cùng với chính phủ Syria và Nga – một đồng minh lớn khác của Damacus, kêu gọi quân đội Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia này.
Những lời kêu gọi này gần đây đã được lặp lại bởi các quốc gia Ả Rập có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, cụ thể là Ai Cập, Iraq, Jordan và Ả Rập Xê-út,
Đầu tuần này, một nhóm các Ngoại trưởng Ả Rập đã gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad ở thủ đô Amman của Jordan trong cuộc hội đàm đầu tiên được tổ chức kể từ khi Syria bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả Rập vào năm 2011.
Trong một tuyên bố chung với Syria được đưa ra hôm 1/5, các Ngoại trưởng Ả Rập kêu gọi chấm dứt “sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Syria” và khôi phục quyền kiểm soát lãnh thổ Syria của chính phủ nước này.
Thảo luận về tuyên bố của các nước Ả Rập trong cuộc họp báo hôm 3/5, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên rằng giới chức Mỹ đã truyền đạt những lo ngại của mình về cuộc hội đàm ngày 1/5 ở Amman tới Jordan và những nước khác, và lưu ý rằng Washington không ủng hộ bình thường hóa quan hệ với chính quyền Damascus và cũng không ủng hộ các nước khác làm như vậy.
Phản ứng trước chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Syria, ông Patel cho biết, Mỹ cho rằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Tehran và Damascus là một nguồn gây lo lắng cho cộng đồng quốc tế.
“Việc chính quyền Iran và chính quyền al-Assad đang tiếp tục thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên là mối lo lớn không chỉ đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi cũng như các quốc gia trong khu vực mà còn trên toàn thế giới”, ông nói .
Minh Đức (Theo Reuters, La Prensa Latina, Newsweek )