Tổng thống Hàn Quốc muốn khôi phục và xuất khẩu công nghiệp hạt nhân

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 14:01:04

Ngày 22-6, trong chuyến đi thăm một nhà máy sản xuất lò phản ứng hạt nhân, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ông muốn khôi phục lại ngành công nghiệp hạt nhân của đất nước và mở rộng ở nước ngoài.

Tổng thống Hàn Quốc muốn khôi phục và xuất khẩu công nghiệp hạt nhân - Ảnh: YONHAP

Theo Hãng thông tấn Yonhap, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cam kết sẽ khôi phục lại việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul số 3 và số 4 ở Hàn Quốc, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030.

"Các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta nổi tiếng với công nghệ và sự ổn định đẳng cấp thế giới. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp của chúng ta nằm ở khả năng xây dựng đúng thời hạn và ngân sách, điều không công ty nào trên thế giới có thể làm theo được".

Tổng thống Yoon cho rằng cánh cửa của thị trường xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân vẫn rộng mở, và các nước như Saudi Arabia, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Mỹ đều công nhận điện hạt nhân là nguồn năng lượng quan trọng trên con đường thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.

Ông Yoon cho biết: "Chính phủ sẽ hỗ trợ tích cực để các khu công nghiệp và nhà máy (hạt nhân) ở Changwon, trung tâm của hệ sinh thái điện hạt nhân, có thể hoạt động trở lại".

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ cung cấp cho các công ty trong ngành điện hạt nhân công việc trị giá 92,5 tỉ won (tương đương 71,36 triệu USD) trong năm nay và đầu tư 670 tỉ won để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

Đến năm 2025, chính phủ có kế hoạch ủy thác các dự án trị giá 1.000 tỉ won cho khu vực tư nhân và hơn 3.000 tỉ won vào phát triển công nghệ.

Chính phủ nước này cũng sẽ đề ra các biện pháp hỗ trợ khác cho các công ty năng lượng hạt nhân nhỏ, trong đó có quỹ khẩn cấp trị giá 100 tỉ won.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng quyết định thành lập một trường đào tạo sau đại học về chất thải phóng xạ mức độ cao để đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này, và các chương trình đào tạo khác cho người lao động trong lĩnh vực hạt nhân.

Con số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở số 9, khi nhiều nước đang muốn sở hữu "vũ khí hủy diệt" do lo ngại an ninh.

Chia sẻ Facebook