Tổng thống Biden thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên
Vào ngày 14/11, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông đã thúc giục Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng của mình để kiềm chế các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nếu không Hoa Kỳ sẽ phải “thực hiện một số hành động mang tính phòng vệ hơn” để đáp trả.
Embed from Getty Images
(Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình/Ảnh minh họa: Getty Images)
Ông Biden đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia hôm 14/11. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm ngoái.
“Tôi đã nói rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi nghĩ họ có nghĩa vụ cố gắng đưa ra thông điệp với Triều Tiên rằng nước này không nên tiến hành các vụ thử hạt nhân tầm xa”, ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo tại Indonesia.
Tổng thống Biden cho biết ông đã cảnh báo ông Tập rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ thực hiện các hành động phòng thủ “cao hơn khi đối mặt với Trung Quốc” để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ năng lực của mình, để bảo vệ chính mình và các đồng minh của chúng tôi – Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản – và điều đó sẽ diễn ra – chúng tôi sẽ sẵn sàng hơn khi đối mặt với Trung Quốc”.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định với ông Tập rằng bất kỳ biện pháp phòng thủ nào chống lại các hành động khiêu khích của Triều Tiên “sẽ không nhằm vào Trung Quốc, mà là gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên”.
Tuy nhiên ông Biden bày tỏ sự không chắc chắn về việc liệu Trung Quốc có đủ ảnh hưởng để ngăn chế độ Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không.
“Đầu tiên, thật khó để nói tôi chắc chắn rằng Trung Quốc có thể kiểm soát Triều Tiên. Tôi tin rằng Trung Quốc không muốn Triều Tiên tiếp tục các biện pháp leo thang hơn nữa.”
Trung Quốc là một đồng minh lớn của Triều Tiên, chiếm 90% kim ngạch thương mại song phương. Trung Quốc và Nga trước đó đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Mỹ thúc đẩy nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Hợp tác ba bên
Trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Biden đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Đông Á tại Campuchia, nơi ông gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Các nhà lãnh đạo đã tổ chức cuộc gặp bên lề hội nghị và đưa ra tuyên bố chung, cam kết “đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết” nếu Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại con đường ngoại giao.
Ông Biden gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là “đồng minh quan trọng” của Hoa Kỳ và mối quan hệ của họ đang trở nên “thân thiện hơn bao giờ hết” trước hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Tuyên bố chung cũng nhắc đến sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và eo biển Đài Loan, nơi Trung Quốc đã tăng cường xây dựng quân đội.
Ba nhà lãnh đạo lên tiếng “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển thuộc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm thông qua các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quân sự hóa các khu vực được khai hoang và các hoạt động cưỡng chế”.
TT Indonesia tại G20: “Không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới rằng họ không được để thế giới "rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác".