Tổng thống Biden nói gì khi tiếp đón Thủ tướng Đức ở Nhà Trắng?

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 13:49:01

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp gỡ ở Washington, phối hợp thực hiện các bước tiếp theo trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng hôm 3/3.


Hôm 3/3, ông Biden đã đón ông Scholz ở Nhà Trắng, tận dụng chuyến thăm của Thủ tướng Đức để khẳng định quyết tâm hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine.

Bên cạnh một số lời trao đổi đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức đã thảo luận kín và không trả lời câu hỏi của các phóng viên.


“Tôi muốn cảm ơn ông, Olaf, vì sự lãnh đạo mạnh mẽ, chắc chắn của ông”, ông Biden nói với Thủ tướng Đức tại Phòng Bầu dục. “Tôi muốn nói điều đó một cách chân thành. Ông đã bước lên phía trước để cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng. Ngoài sự hỗ trợ quân sự, sự hỗ trợ tinh thần mà ông đã dành cho người Ukraine cũng là rất sâu sắc”.

Ông Biden cũng ca ngợi việc Đức tăng mức chi tiêu quốc phòng. Ông chủ Nhà Trắng đánh giá cao việc Đức “quay lưng với nguồn năng lượng từ Nga”. “Tôi biết điều đó là không dễ dàng, rất khó khăn với ông”, ông Biden nói.

Sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ của Nga là chiến lược được các nhà lãnh đạo Đức áp dụng trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, Đức đã ngừng nhập khẩu dầu thô Nga qua đường ống từ ngày 1/1/2023, hạn chế nhập khí đốt Nga. Đức đang đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, với việc đẩy mạnh nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Mỹ và các nước Trung Đông.


Lần gần nhất ông Scholz tới Nhà Trắng là vào tháng 2/2022. Trong cuộc gặp hôm 3/3, ông Scholz không nêu mối quan ngại về an ninh năng lượng của Đức với ông Biden.

Nhưng ông Scholz cam kết sẽ phối hợp với Mỹ để hỗ trợ những gì Ukraine cần. “Điều quan trọng là chúng tôi cùng đưa ra thông điệp rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến khi nào có thể”, ông Scholz nói.

Thủ tướng Đức tới Mỹ lần này cùng một phái đoàn có quy mô khiêm tốn và hai nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo chung. Hôm 3/3, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, nhưng Đức không đưa ra các cam kết mới.

Hiện tại, Đức và các đồng minh châu Âu đang xây dựng hai tiểu đoàn thiết giáp để hỗ trợ Ukraine cho đợt phản công xuân hè năm 2023. Mỗi tiểu đoàn sẽ bao gồm khoảng 30 xe tăng Leopard 2, với kíp điều khiển xe tăng là binh sĩ Ukraine, được phương Tây đào tạo. Trong khi đó, xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ sớm nhất chỉ có thể xuất hiện ở Ukraine vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Ông Biden và ông Scholz cũng được cho là thảo luận về cách hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực ngoại giao, bao gồm khả năng trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự Moscow.


Đăng Nguyễn - RT

Chia sẻ Facebook