Tổng thống Biden muốn tham vấn chặt chẽ với Ấn Độ về chiến sự ở Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có một "cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn" về cuộc khủng hoảng Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai bên vào ngày 11-4.
Theo Hãng tin AFP, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Mỹ thất vọng với lập trường trung lập của New Delhi về việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Một quan chức Mỹ cho biết cuộc họp kéo dài một giờ, diễn ra "ấm áp và hiệu quả".
Ông Biden bắt đầu cuộc gặp với ông Modi bằng việc ca ngợi "mối quan hệ sâu sắc" giữa hai nước và khẳng định ông muốn tiếp tục "tham vấn chặt chẽ" với Ấn Độ về chiến sự tại Ukraine .
Thủ tướng Ấn Độ cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine là "rất đáng lo ngại" và nhắc lại rằng New Delhi ủng hộ hòa đàm giữa Ukraine và Nga, đồng thời cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine.
Theo các nguồn tin, tổng thống Mỹ không đưa ra yêu cầu lớn nào với Ấn Độ. Cuộc họp kết thúc mà không có dấu hiệu cho thấy có cải thiện đáng kể về lập trường thống nhất hơn giữa hai bên về xung đột Nga - Ukraine.
Ấn Độ cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với phương Tây và giữ khoảng cách với Nga. Tuy nhiên nước này vẫn tiếp tục mua dầu của Nga dù điều này khiến Mỹ phật lòng.
Một quan chức chính quyền Mỹ được Hãng tin AFP trích dẫn cho biết không có "câu hỏi cụ thể và câu trả lời cụ thể" về nhập khẩu năng lượng từ Nga của Ấn Độ trong cuộc họp.
"Chúng tôi đã trình bày quan điểm rõ ràng rằng chúng tôi có thể cấm nhập khẩu dầu và (khí đốt) và than từ Nga. Các quốc gia khác phải đưa ra lựa chọn của riêng họ" - quan chức này tiết lộ.
"Chúng tôi không nghĩ Ấn Độ nên đẩy nhanh hoặc tăng nhập khẩu năng lượng của Nga. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ, duy trì đối thoại với Ấn Độ về việc đa dạng hóa nhập khẩu (năng lượng) của nước này", quan chức này nói thêm.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, tại cuộc họp Bộ tứ kim cương (liên minh "QUAD" gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản), ông Biden và ông Modi không thống nhất trong việc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Ấn Độ cũng bỏ phiếu trắng trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần trước để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền liên quan đến các cáo buộc sát hại dân thường ở Bucha, Ukraine.
Mỹ cảnh báo quốc gia nào tích cực giúp Nga lách các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ phải gánh chịu "hậu quả". Tuy nhiên, lời cảnh báo của Mỹ đã không ngăn được Ấn Độ hợp tác với Nga về cơ chế thanh toán bằng đồng rupee và đồng rúp để tránh các lệnh trừng phạt ngân hàng, và hưởng lợi từ mức chiết khấu cao khi mua dầu do các nhà sản xuất Nga cung cấp.
Ấn Độ đã mua ít nhất 3 triệu thùng dầu thô từ Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24-2.
Ngày 21-3, ông Biden nhận xét rằng trong số các đồng minh của Mỹ, Ấn Độ có "hơi run" trong phản ứng với Nga.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc nói chuyện trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày 11-4, trong bối cảnh Mỹ đã nêu rõ là nước này không muốn Ấn Độ tăng cường nhập khẩu năng lượng của Nga.