Tổng thống Biden giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 07:38:21

Ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden thông báo Hoa Kỳ sẽ giải phóng 180 triệu thùng dầu từ cơ quan Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia trong vài tháng tới. Điều này được xem là động thái chưa từng có trước đây. 

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Embed from Getty Images


Theo một quan chức chính quyền, 180 triệu thùng dầu sẽ được đưa ra thị trường với tốc độ trung bình 1 triệu thùng mỗi ngày trong 6 tháng tới, bắt đầu từ tháng 5. Trong khoảng thời gian này, các quốc gia khác cũng sẽ đồng thời giải phóng lượng dầu dự trữ của mình.


Chính quyền có kế hoạch bổ sung dự trữ khi giá dầu giảm, “để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai và cũng để cung cấp tín hiệu phù hợp cho thị trường” , một quan chức cấp cao cho biết.


Tin tức về thông báo này đã khiến giá dầu ngày 31/3 giảm mạnh, mặc dù các quốc gia sản xuất dầu của OPEC+, trong đó có Nga, vẫn giữ nguyên thỏa thuận hiện có của mình với sản lượng tháng 5 là 432.000 thùng/ngày.


Giá hợp đồng kỳ hạn U.S. West Texas Intermediate đáo hạn vào tháng 5 giảm 6,06 USD (tương đương 5,62%) xuống còn 101,76 USD/thùng, có lúc xuống đến mức thấp hơn còn 100,16 USD/thùng.


Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá xăng tại nước này vẫn tăng ở mức trung bình 4,225 USD/gallon – giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục 4,331 USD/gallon vào ngày 11/3.


Đây là lần thứ ba Chính quyền Biden khai thác lượng dầu dự trữ từ SPR trong 6 tháng qua, cũng là lần xuất kho lớn nhất trong gần 50 năm qua của SPR.


Mức tiêu thụ trung bình của Hoa Kỳ rơi vào khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.


Ông Phil Flynn, Giám đốc điều hành cấp cao tại Price Futures Group, đồng thời là tác giả của tạp chí The Energy Report, trong blog hàng ngày về thị trường năng lượng của mình, đã so sánh động thái của Tổng thống Biden như một “ giải pháp tuyệt vọng” . Ông Flynn lưu ý rằng động thái này được đưa ra cùng ngày khi OPEC+ bỏ qua lời kêu gọi tăng cường sản xuất của chính ông Biden.

Ông Flynn viết:

“Thật là trùng hợp khi ông Biden công bố đợt phát hành lớn nhất từ ​​SPR vào ngày OPEC từ chối Chính quyền Biden bằng cách bám sát kế hoạch 400.000 thùng/ngày của họ. Tuy nhiên, OPEC sẽ cười trừ. Họ biết rằng động thái này sẽ chỉ làm tăng nhu cầu về sản phẩm của họ. Họ cũng biết rằng nó sẽ khiến lượng dầu sản xuất của Hoa Kỳ trở nên ít đi vì nó sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư vào dầu đá phiến.”


Ngày 8/3, ông Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga như một phần trong danh sách các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, nhằm cô lập nền kinh tế Nga khi nước này xâm lược Ukraine.


Trong thời gian thực hiện các biện pháp phong tỏa do COVID-19 vào năm 2020, giá khí đốt đã giảm xuống dưới 2 USD/gallon, tuy nhiên từ đó đến nay đã tăng dần, sau đó tăng nhanh vào đầu năm 2022 khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.


Một số thành viên Quốc hội đã kêu gọi ông Biden cho thuê đất của liên bang để sản xuất dầu.


Trong những ngày đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2021, ông Biden đã ký một lệnh điều hành tạm dừng các hợp đồng thuê khoan nhiên liệu hóa thạch mới, nhằm ưu tiên các mục tiêu “giảm thiểu biến đổi khí hậu” .


Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nhiều lần phủ nhận việc chính sách của họ đang hạn chế lượng dầu sản xuất. Họ so sánh rằng sản lượng dầu đã tăng so với năm đầu tiên cựu Tổng thống Donald Trump tại vị, và hiện vẫn còn 9.000 giấy phép cho các công ty dầu khí khai thác trên đất liên bang vẫn chưa được sử dụng.


Hôm 31/3, các quan chức Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi các công ty dầu mỏ “đẩy mạnh” sản lượng.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết:

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có hậu quả nếu các vị đang làm chủ phần đất liên bang đã được cấp phép mà không sử dụng và cũng không phát triển vùng đất mà các vị đã thuê. Đó là lý do tại sao hôm nay Tổng thống sẽ kêu gọi một chính sách “hoặc là khai thác hoặc là mất đất”, và sẽ tính phí các công ty nếu họ đang đặt cơ sở trên các giếng [khoan dầu] mà không sản xuất, và thuê [phần đất] mà họ không khai thác.”


Người phát ngôn của Viện Dầu khí Mỹ Kevin O’Scannlain, vào ngày 8/3, đã gọi lập luận của Nhà Trắng về việc các khu đất thuê chưa đưa vào sản xuất là “một sự đánh lạc hướng khỏi các chính sách năng lượng gây tác động cản trở [của Chính quyền Biden]” đối với hoạt động sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ.


Ông O’Scannlain cho biết, chính sách “ hoặc là khai thác hoặc là mất đất ” yêu cầu các công ty dầu khí phải tiến hành sản xuất, nếu không Chính phủ Liên bang sẽ thu hồi lại hợp đồng thuê đất. Chính sách này đang được tiến hành. Ông O’Scannlain lưu ý rằng để thuê đất và tìm kiếm dầu cần một lượng lớn thời gian cũng như đầu tư tài chính, chưa kể đến việc đối phó với các lệnh hạn chế của Liên bang nhằm phong tỏa những vùng đất chưa được khai thác.


Vy An (T/h)

Giá dầu tại Mỹ cao nhất trong 7 năm qua do ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine Giá dầu của Mỹ tăng mạnh vào thứ Ba (ngày 1/3) do ảnh hưởng bởi chiến sự ở Ukraine, với giá dầu thô đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Chia sẻ Facebook