Tổng số người mắc COVID-19 ở Đức vượt mốc 30 triệu, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp

Chia sẻ Facebook
23/07/2022 09:38:19

Đến sáng 23/7, thế giới có trên 573,19 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,39 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 91,94 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,051 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.


Tình trạng lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh tại Mỹ bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao tại quốc gia này. Mỹ đang chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của biến thể phụ BA.4 và BA.5 hiện gây ra khoảng 80% số ca mắc mới tại nước này. Điều nguy hiểm là biến thể này dễ lây lan, có khả năng kháng vaccine và khiến tỷ lệ tái nhiễm tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận hơn 126.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới với khoảng 350 trường hợp tử vong.

Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị nhiễm COVID-19. Đây là lần đầu tiên ông Biden có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Biden, 79 tuổi, được tiêm phòng đầy đủ và hai lần tiêm mũi tăng cường, đã mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ như sổ mũi, ho khan và cảm giác mệt mỏi. Trước đó, một loạt các quan chức cấp cao của Nhà Trắng như Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng đã mắc COVID-19.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 22/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,84 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.


Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 676.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu Hans Kluge đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu hành động ngay lập tức để tránh cho hệ thống y tế quá tải trong mùa thu và mùa đông năm nay, khi chủng phụ BA.5 của biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng tại khu vực này. Chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới thời gian qua tại châu Âu, ông Hans Kluge nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan như tiêm vaccine mũi 4 và đeo khẩu trang.


Châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới COVID-19,với gần 3 triệu ca trong tuần trước, chiếm gần một nửa tổng số trường hợp mắc mới trên toàn cầu. Số người nhập viện cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ.


Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt mốc 30 triệu sau khi ghi nhận thêm 136.624 trường hợp mắc mới vào ngày 21/7, tăng vọt so với mức khoảng 16.000 ca chưa đầy một tuần trước.

Các chuyên gia y tế nhận định, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này trên thực tế cao hơn, nhưng do công tác xét nghiệm không còn được tiến hành với tần suất như trước đây nên số liệu thống kê không chuẩn xác. Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach ước tính, trong tháng 6, số ca mắc COVID-19 trên thực tế có thể cao gấp 2 lần thống kê.

Ngày 22/7, New Zealand báo cáo 9.080 ca mắc mới COVID-10. (Ảnh: AP)


New Zealand đã ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong bối cảnh làn sóng mới lây nhiễm biến thể Omicron đang ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi. Theo dữ liệu của Bộ Y tế New Zealand, trong 7 ngày tính đến 16/7, số ca tử vong là 151 ca, cao hơn nhiều so với 115 ca vào tuần tồi tệ nhất trong làn sóng lây nhiễm trước đó hồi tháng 3. Trong 24 giờ qua, 26 người đã tử vong vì COVID-19, đều trên 60 tuổi.

Ngày 22/7, New Zealand báo cáo 9.080 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 1,54 triệu người mắc COVID-19 tại New Zealand, bao gồm 1.890 trường hợp thiệt mạng.


Chính phủ Australia đã phát động chiến dịch y tế mới nhằm khuyến khích sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này có xu hướng gia tăng trong mùa đông. Hồi đầu tháng 7, nhà chức trách nước này đã mở rộng quyền tiếp cận đối với các phương pháp điều trị theo Chương trình Phúc lợi Dược phẩm (PBS). Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Mark Butler ngày 22/7 đã kêu gọi người dân Australia đủ điều kiện nên tiếp cận các chương trình phân phát thuốc này.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người mắc COVID-19 với nguy cơ cao bệnh chuyển nặng có thể nhận được các thuốc kháng virus theo chương trình phúc lợi, trong đó có những người thuộc nhóm 70 tuổi trở lên, nhóm trên 50 tuổi với 2 yếu tố nguy cơ... Động thái này của Chính phủ Australia cũng là giải pháp đối với 500.000 liều thuốc điều trị COVID-19 được mua hồi đầu năm 2022 và có thể bị bỏ phí.

Bộ trưởng Butler cho biết, mặc dù chiến lược tiêm vaccine vẫn là biện pháp ngăn ngừa COVID-19 tối ưu nhưng việc điều trị sử dụng thuốc kháng virus cũng được coi là công cụ hữu hiệu trong quá trình ứng phó với bệnh dịch của Australia. Ông Butler khẳng định, những loại thuốc này có hiệu quả trong ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện, hoặc nghiêm trọng hơn ở các bệnh nhân mắc COVID-19.

Ngày 22/7, Australia thông báo ghi nhận trên 53.200 ca mắc mới COVID-19 và 64 người tử vong liên quan căn bệnh này.


Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với hơn 186.000 trường hợp trong ngày 21/7, trong đó tỷ lệ nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lên tới 96%. Số liệu thống kê vừa được cơ quan y tế Nhật Bản công bố cho thấy, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp, với hơn 190.000 ca mắc trong ngày 22/7.

Riêng trong ngày 21/7, có 35/47 địa phương của Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Tokyo ghi nhận hơn 31.800 ca mắc. Với tỷ lệ sử dụng giường bệnh là 43,5%, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo đối với hệ thống y tế và tình trạng lây nhiễm COVID-19 lên mức cao nhất, lần đầu tiên kể từ ngày 17/3.

Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai tiêm mũi 5 vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)

Ngày 22/7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) đã đề xuất triển khai chương trình tiêm mũi thứ 5 vaccine phòng COVID-19 cho những đối tượng có nguy biến chứng cao như người cao tuổi. Loại vaccine được Bộ này tính đến là vaccine đang được nghiên cứu và phát triển bởi hãng dược Pfizer-BioNTech, được xác định có hiệu quả đối với các biến thể phụ của Omicron và nhiều khả năng sẽ được thương mại hóa vào mùa thu năm nay.

Theo kết quả nghiên cứu, dòng phụ BA.5 có ít nhất 34 đột biến so với biến thể gốc. Trong số 34 đột biến đó có 3 đột biến có đặc trưng là làm suy yếu tác dụng của vaccine. Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 mà nguyên nhân chủ yếu là do các biến thể mới như BA.4 và BA.5. Trước tình hình này, một số nước đã mở lại các bệnh viện dã chiến nhằm đề phòng trường hợp các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải.


Sự lây lan của biến thể BA.5 đang là thách thức với chiến lược "Zero COVID" của Trung Quốc . Nhiều thành phố như Lan Châu, Bắc Hải, Thượng Hải… đã ghi nhận nhiều ổ bùng phát mới. Bên cạnh việc phong tỏa ổ dịch, tăng cường xét nghiệm, nhà chức trách các địa phương cũng dựng nhiều bệnh viện dã chiến để ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 gia tăng.

Ngày 22/7, Trung Quốc ghi nhận 175 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng.


Còn tại Thái Lan , chính quyền thủ đô Bangkok đã mở hai bệnh viện dã chiến mới với công suất 500 giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Tính tổng cộng tất cả các bệnh viện ở Bangkok, khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 hiện là 5.600 giường, trong đó gần một nửa đã có bệnh nhân. Ngày 22/7, Thái Lan ghi nhận thêm 2.424 ca mắc mới COVID-19, trong đó 25 trường hợp tử vong.

Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh virus không ngừng tiến hóa, cần cải thiện hơn nữa tỷ lệ tiêm phòng để tránh xuất hiện các làn sóng dịch mới.


Bộ Y tế Mông Cổ thông báo, nước này sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Thông báo nêu rõ: "Chiến dịch tiêm phòng sẽ bắt đầu từ tháng 8 và vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer sẽ được sử dụng tiêm cho trẻ theo quy trình 2 mũi cách nhau 1 tháng". Theo Bộ trên, nước này hiện đang có 300.000 liều vaccine cho trẻ.

Mông Cổ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chương trình tiêm chủng sớm và chủ động, đồng thời kiểm soát tốt các làn sóng dịch COVID-19 mà không cần áp đặt lệnh phong tỏa. Hồi đầu năm nay, Mông Cổ bắt đầu tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho người dân  và trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á thực hiện chiến dịch này.

Tính đến nay, Mông Cổ ghi nhận tổng cộng 933.241 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.179 người không qua khỏi.

Chia sẻ Facebook