Tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội là trên 85.000 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội trên 85.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư của dự án Vành đai 3 TP.HCM cũng trên 75.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Quyết định này điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông vận tải là 31.396 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho một số địa phương.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Ngày 29/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình Quyết định 1012 điều chuyển giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số tiền 31.396 tỷ đồng để điều chỉnh tăng cho 7 địa phương thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 của TPHCM và vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội.
Trong quyết định này, Chính phủ cũng giao cho Hà Nội khoảng 8.400 tỷ, Hưng Yên hơn 3.700 tỷ, Bắc Ninh là hơn trên 2.400 tỷ và hơn 10.000 tỷ cho TPHCM, tỉnh Bình Dương 4.200 tỷ, Long An 1.397 tỷ đồng, Đồng Nai 856 tỷ đồng. "Đây chính là số tiền đang dự kiến đổi, đã giao rồi và dự kiến cho các công trình Vành đai 3, Vành đai 4", ông Trần Duy Đông nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, trong thời gian vừa qua, các địa phương vẫn đang kiểm soát các dự án và sẽ bổ sung thêm các nguồn lực của mình, bố trí ngân sách địa phương cũng như xã hội hóa đối với các công trình này. "Đúng là hai dự án này đã triển khai theo đúng chủ trương của Chính phủ, ngoài số vốn của Trung ương tức là ngân sách Trung ương sẽ giao địa phương thì địa phương bỏ ra số vốn rất lớn. Ví dụ tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội trên 85.000 tỷ. Tương tự vậy, tổng vốn đầu tư của Vành đai 3 của TPHCM cũng trên 75.000 tỷ. Các địa phương cũng đã bổ sung rất lớn vào đây", ông Đông nêu rõ.
Sau khi các địa phương được giao thì tiếp tục liên kết đầu tư, thực hiện các công tác đấu thầu, chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thực hiện các nội dung liên quan khác.
Theo Trần Ngọc-Thiên Bình