Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nhật: Chỉ cần mở lòng và tích cực, ở đâu cũng nghênh đón người Việt
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản), ông Vũ Bình, chia sẻ chỉ cần người Việt luôn mở lòng, cố gắng phấn đấu và học tập thì người dân địa phương và chính quyền sở tại sẽ luôn chào đón họ.
Khu vực 8 tỉnh tây nam Nhật Bản mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka phụ trách còn được gọi là khu vực 10% vì đóng góp 1/10 cho nền kinh tế quốc gia. Số lượng người Việt ở các khu vực này cũng bằng khoảng 1/10 số người Việt tính trên toàn Nhật Bản.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với Tổng lãnh sự Vũ Bình về sự hòa nhập sở tại của cộng đồng người Việt tại khu vực tổng lãnh sự quán phụ trách.
* Dưới góc độ nhà ngoại giao, ông đánh giá thế nào về việc chấp hành luật pháp sở tại của người Việt Nam ở Nhật Bản?
25.000 người Việt bị trục xuất (từ nhiều nước - PV) như đại diện Bộ Công an nêu trong một hội nghị về công tác người Việt ở nước ngoài vừa qua là một con số đáng kể và đáng buồn, bởi vì chúng ta là một nước có truyền thống văn hóa, lịch sử đáng tự hào.
Cộng đồng người Việt ở Nhật có điểm khác với cộng đồng người Việt tại các nước khác ở chỗ phần lớn là công dân Việt Nam, độ tuổi trẻ và khá đồng nhất về tính cách. Tỉ lệ phạm tội và bị trục xuất của người Việt ở Nhật là khoảng 1%, một con số cũng khá cao.
Riêng tại khu vực 8 tỉnh mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka phụ trách, tỉ lệ này ở mức thấp, rơi vào khoảng 0,035%. Phần lớn vi phạm trong số này là do ở quá hạn thị thực, có người vô tư không để ý nhưng cũng có người cố tình vi phạm, mà chủ yếu là vì muốn tăng thêm thu nhập.
Tôi nghĩ ở đây nên có cái nhìn nhiều chiều, từ cả trong nước lẫn ở nước ngoài, ví dụ như những vấn đề về bất đồng ngôn ngữ, rào cản văn hóa hay trạng thái tâm lý của những người xa quê…Trong dịch COVID-19 vừa qua, số người phạm luật ở quá hạn nhiều, có những trường hợp chúng tôi phải giao thiệp với chính quyền địa phương để giải quyết hợp tình hợp lý.
* Vậy người Nhật nói với ông như thế nào về người Việt đang ở nước họ?
Các lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp của Nhật đều đánh giá cao con người Việt Nam chăm chỉ, học nhanh và cần cù, nói rằng sự có mặt của người Việt góp phần vào duy trì sản xuất, phát triển và tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên cũng có những trường hợp họ góp ý, than phiền với mình về việc chấp hành kỷ luật của một vài nơi.
Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng vận động, thuyết phục chính quyền một số địa phương hoặc các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài mời người Việt vào làm.
* Tỉ lệ người Việt phạm pháp ở vùng phụ trách của tổng lãnh sự quán thấp như vậy là nhờ đâu, thưa ông?
Theo tôi, tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài đều làm rất bài bản công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân. Có rất nhiều cách thức để làm, từ mạng xã hội đến các sự kiện cộng đồng, nhưng tùy cường độ và cách làm mà hiệu quả cũng sẽ khác nhau.
Ở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, chúng tôi luôn tranh thủ những dịp gặp gỡ bà con trong các lần đến làm thủ tục, dịch vụ để động viên, chia sẻ và dặn dò chân thành mọi người về cuộc sống ở nước Nhật.
Như tôi nói ở trên, có người không nhận thức được việc ở quá hạn thị thực sẽ có hậu quả pháp lý như thế nào, nên khi chúng tôi trao đổi cũng là góp phần giúp họ hiểu biết thêm luật sở tại mà tuân thủ.
Trong dịch COVID-19 vừa qua, có không ít trường hợp hoang mang lo sợ và muốn về nước nhưng chúng tôi đã động viên họ ở lại, vì việc đi lại như vậy khiến bà con gặp rủi ro nhiều hơn.
Không ít người bị mất việc làm thêm, không có thu nhập trang trải cuộc sống hoặc gửi về nhà nên sinh ra bi quan. Chúng tôi chủ trương cứ có điện thoại gọi đến là nghe, giúp mọi người ổn định tinh thần và đề nghị các cơ quan sở tại có chính sách hỗ trợ.
Có trường hợp bảo hộ công dân nào khiến ông nhớ mãi đến giờ không?
Có một trường hợp như vậy. Đó là hai thực tập sinh Việt Nam bị lở đất chôn vùi trong bão Haishen ở tỉnh Miyazaki năm 2020.
Hai bạn này còn trẻ và ở trong căn nhà tạm dành cho người làm. Nhưng vì được ông chủ thương nên được gọi đến nơi ở kiên cố hơn để an toàn trong bão. Thế nhưng thay vì ở trong chăn ấm nệm êm, họ đã đăng ký vào lực lượng phản ứng khẩn cấp của địa phương với lý do "là thanh niên thì nên góp sức".
Rồi bão đổ bộ và gây ra đất lở xuống ngay nơi hai bạn đang ở. Cả hai bị chôn vùi cùng vợ con của người chủ. Chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều bên sở tại, vận động nhiều bên hỗ trợ nhưng đến nay chỉ mới tìm thấy được 1 bạn.
Câu chuyện này tôi vẫn thường kể cho nhiều bạn mới sang nghe, về tấm lòng của người dân Nhật khi hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ hai bạn không may.
Tôi tin rằng nếu chúng ta mở lòng và tích cực, cố gắng học hành và phấn đấu thì người dân sở tại cũng sẽ không ngại mà đón nhận mình.
1 người gánh 9.000 người
Năm 2009, khi tổng lãnh sự quán mới được mở cửa ở Fukuoka, số người Việt tại khu vực phụ trách chỉ tầm 1.000 người nhưng đến nay đã lên tới 45.000, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực này cũng tăng 9 lần, từ 500 triệu USD lên khoảng 4,5 tỉ USD. Mặc dù vậy, số nhân sự của tổng lãnh sự quán hiện tại chỉ có 5 người, không thay đổi trong 13 năm qua.
"Tôi từng nói với anh em trong tổng lãnh sự quán rằng nếu chúng ta ngồi nghe điện thoại của tất cả bà con trong khu vực phụ trách thì phải cần tới 31 ngày rưỡi. Đó là chỉ ngồi nghe điện thoại liên tục, không ngủ nghỉ ăn uống hay có các động thái tiếp xúc với chính quyền sở tại để xử lý vấn đề", ông Vũ Bình chia sẻ về khối lượng công việc tại tổng lãnh sự quán.
Câu chuyện người Việt cần hành xử văn minh, không phạm pháp khi đi nước ngoài đang được rất nhiều người quan tâm sau khi xảy ra vụ hai nghệ sĩ Việt Nam bị tố cưỡng hiếp khi đi du lịch ở Tây Ban Nha.