Tổng Giám đốc BFC: “Người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng do giá phân bón tăng cao”
Sáng ngày 29/04, CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Nói về mặt tiêu thụ, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc cho biết người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng, nếu giá phân bón đầu vào còn cao hơn nữa nguy cơ sẽ bỏ ruộng.
Tổng Giám đốc BFC: “Người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng do giá phân bón tăng cao”
Sáng ngày 29/04, CTCP Phân bón Bình Điền ( HOSE : BFC ) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Nói về mặt tiêu thụ, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc cho biết người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng, nếu giá phân bón đầu vào còn cao hơn nữa nguy cơ sẽ bỏ ruộng.
*Tài liệu họp ĐHĐCĐ BFC
Giá cả nguyên liệu sản xuất NPK tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh phân bón
Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi về lợi thế thương mại, tình hình hoạt động kinh doanh của BFC dự kiến gặp một số khó khăn thách thức.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm BFC .
Thứ hai, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo 2022 là năm thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục tục diễn biến gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất phân bón như BFC .
Thứ ba, dự báo giá cả nguyên liệu sản xuất phân bón NPK tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón NPK.
Thêm vào đó, tại thị trường của BFC tại nước ngoài cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Kế hoạch lợi nhuận thận trọng
Với những nhận định trên, Ban điều hành BFC đặt mục tiêu năm nay sản lượng 602,750 tấn, giảm khoảng 18% so với thực hiện 2021. Tổng doanh thu dự kiến 6,428 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 46%.
Đối với phân phối lợi nhuận, BFC sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20%. Dự kiến cổ tức năm 2022 tối thiểu 15%.
Về vấn đề cổ tức có phần khiêm tốn, Ban lãnh đạo nhắc lại rằng tình hình kinh doanh 2022 dự báo khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào gia tăng mạnh, giá bán tăng khiến ức chế tiêu thụ của bà con nông dân. Biên lợi nhuận khó có thể cao như 2021. Mức cổ tức đưa ra nhằm để Công ty phấn đấu.
Nói về tồn tại, BFC đang ghi nhận một khoản nợ xấu tại công ty con Bình Điền Mekong. Năm 2021, BFC đã quyết liệt tái cơ cấu ở đơn vị này.
Kết quả kinh doanh quý 1/2022, Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông cho biết sản lượng Công ty mẹ khoảng 90 ngàn tấn, sản lượng hợp nhất đạt khoảng 164 ngàn tấn. Trong quý đầu năm, BFC đạt tổng doanh thu hợp nhất 2,630 tỷ đồng, tăng 46% so cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt hơn 66 tỷ đồng, tăng 19%. Đến 31/03/2022, BFC đang có tổng tài sản 3,960 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so đầu năm.
Người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng trước bối cảnh giá phân bón tăng cao
Để thực hiện các mục tiêu 2022, BFC cho biết sẽ nắm bắt, theo sát diễn biến thị trường để có những giải pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời với tình hình. Duy trì và phát triển vững chắc các thị trường chiến lược, thị trường truyền thông, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ các trong và ngoài nước.
BFC sẽ nghiên cứu, ban hành và thực thi các cơ chế chính sách kinh doanh mới phù hợp với tình hình từng thị trường cụ thể, trong đó tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu phát triển thị trường mới ở nước ngoài đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận năm 2022.
Liên quan đến chuyện áp thuế xuất khẩu phân bón, BFC cho biết đang nõ lực đề xuất khuyến nghị về quy định này. Thị trường xuất khẩu chính của BFC là Campuchia, nếu phải đóng thêm thuế thì việc cạnh tranh trước các đối thủ, như phía Thái Lan sẽ càng thêm khó khăn.
Song song đó, BFC thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc khách hàng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích và thắt chặt mối quan hệ giữa Công ty, đại lý bạn hàng và bà con nông dân.
Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông cho biết thực sự người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng, cực kỳ khó khăn. Trong thời gian qua, sản lượng và giá lúa bán ra không có nhiều biến động, trừ đi chi phí không có hiệu quả kinh tế. Nếu giá phân bón đầu vào còn tăng cao hơn nữa, nguy cơ là người nông dân sẽ bỏ ruộng.
Về yếu tố giá bán trong nước và xuất khẩu, ông Đông cho biết giá bán trong nước có lúc thấp hơn song cũng có lúc cao hơn giá xuất khẩu tùy tình hình. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu của BFC sang Campuchia đạt khoảng 80 ngàn tấn, chiếm tỷ trọng khá lớn.
Về yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp phân bón trong ngành, lãnh đạo BFC chỉ ra mỗi đơn vị có chính sách bán hàng riêng, câu chuyện bên trong rất phức tạp.
Chủ tịch Đạm Hà Bắc vào Thành viên HĐQT BFC
Tại Đại hội lần này, cổ đông đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT ông Bùi Thế Chuyên - Chủ tịch HĐQT theo đơn từ nhiệm của cá nhân này do yêu cầu công tác cán bộ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Được bầu bổ sung vào thành viên HĐQT BFC là ông Nguyễn Văn Thiệu, người đại diện vốn của Vinachem. Hiện Vinachem đang nắm 65% vốn tại BFC , cá nhân ông Thiệu không sở hữu cổ phiếu BFC . Ông Thiệu hiện còn đang đảm nhiệm chức Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Chủ tịch HĐQT CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB ).
Duy Na