Tổng Cục trưởng Thống kê: Tăng trưởng kinh tế quý II chưa thể bứt phá

Chia sẻ Facebook
29/03/2023 15:18:45

Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, kinh tế quý II/2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn quý I/2023.

Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, GDP quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Chỉ số CPI bình quân quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Trong quý I, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).


Với những kết quả đạt được trong quý I/2023, trao đổi với Người Đưa Tin sau cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều thách thức lớn, nhất là để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay.


Người Đưa Tin: Bà đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội trong quý I đầu năm nay?


Bà Nguyễn Thị Hương: Với kết quả tăng trưởng 3,32%, tôi cho rằng bức tranh kinh tế quý I/2023 của nước ta khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn như chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi có nguy cơ thua lỗ; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023 gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam tuy chưa đạt được mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước phát huy hiệu quả.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (Ảnh: Thu Huyền).


NĐT: Nhìn từ kết quả đạt được trong quý I, xin bà cho biết kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý II/2023 năm nay?


Bà Nguyễn Thị Hương: Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I và gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.


NĐT: Vậy Tổng cục Thống kê có những đề xuất giải pháp nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và các quý tiếp theo trong năm 2023?


Bà Nguyễn Thị Hương: Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi. Cụ thể, về phía cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế.

Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023 gặp nhiều khó khăn, dự báo sẽ còn kéo dài trong các tháng tiếp theo (Ảnh: Thu Huyền).

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Chính sách tỉ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất…

Tôi cho rằng, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn.

Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá; cần thực hiện tốt công tác phát triển, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.


NĐT: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

Chia sẻ Facebook