Tổng cục Thuế yêu cầu báo cáo tiến độ hoàn thuế GTGT hàng tuần
Tổng cục Thuế đề nghị báo cáo kết quả thực hiện công tác hoàn thuế GTGT theo yêu cầu tại Công văn số 2099/TCT-KK trước 16h các ngày thứ Sáu hàng tuần.
Ngày 15/6, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2426/TCT-KK yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo yêu cầu tại Công văn số 2099/TCT-KK trước 16h các ngày thứ Sáu hàng tuần.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại công văn số 5427/BTC-VP về công tác hoàn thuế GTGT, ngày 15/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2426/TCT-KK yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về công tác hoàn thuế GTGT tại Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023 trước 16h các ngày Thứ Sáu hàng tuần, báo cáo gửi về Tổng cục Thuế qua Vụ Kê khai và Kế toán thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số nội dung sau:
Một là, báo cáo kết quả đối thoại với các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bản theo nội dung nêu tại điểm 4 Công văn số 2099/TCT-KK bao gồm: tên Hiệp hội, doanh nghiệp đã thực hiện đối thoại, thời gian thực hiện, nội dung đối thoại, kết quả giải quyết hoàn thuế của NNT tham gia đối thoại (hồ sơ đề nghị hoàn, số tiền đề nghị hoàn, số tiền đã được giải quyết hoàn thuế, số tiền chưa được giải quyết hoàn thuế, thời gian dự kiến hoàn thuế cho doanh nghiệp) theo mẫu biểu đính kèm công văn này.
Hai là, báo cáo các vướng mắc về chính sách hoàn thuế GTGT, công tác quản lý hoàn thuế GTGT; đề xuất, kiến nghị.
Ba là, đối với các hồ sơ hoàn thuế đã tiếp nhận, đang giải quyết hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế có thời gian kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đến nay đã trên 40 ngày, Tổng cục Thuế đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế giao cho bộ phận đầu mối (ví dụ bộ phận thẩm định pháp chế hoặc kiểm tra nội bộ) phối hợp và làm việc trực tiếp với các Phòng Thanh tra - Kiểm tra và các Chi cục Thuế đang chủ trì giải quyết hồ sơ hoàn thuế để làm rõ nội dung tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Đồng thời, định kỳ theo thời hạn nêu tại công văn này, báo cáo về Tổng cục Thuế tình trạng giải quyết của các hồ sơ hoàn thuế trọng điểm theo danh sách Tổng cục Thuế gửi kèm công văn này bao gồm:
Mã số thuế, tên NNT, kỳ hoàn thuế, số tiền đề nghị hoàn, ngày ban hành Quyết định kiểm tra/thanh tra tại trụ sở NNT, ngày kết thúc kiểm tra/thanh tra tại trụ sở NNT, số lần gia hạn/hoãn/giãn kiểm tra/ thanh tra tại trụ sở NNT hoặc cung cấp thông tin tài liệu (nếu có), tiến độ kết quả xác minh/đối chiếu hóa đơn nguồn gốc hàng hóa mua vào (nếu có), các vấn đề vướng mắc liên quan (nếu có) và nêu rõ thời hạn dự kiến ban hành Quyết định hoàn thuế.
Gần 100% hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử
Thông tin về công tác hoàn thuế trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, tính từ 1/1/2023 đến hết ngày 7/6/2023, Cục Thuế Tp. Hà Nội ban hành 555 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), với số tiền đã hoàn là 2.126 tỷ đồng, cục thuế đang tiếp tục giải quyết đối với 263 lượt hồ sơ tương ứng số tiền đề nghị hoàn là 3.728 tỷ đồng thuế GTGT.
“Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, trên 98% số hồ sơ hoàn thuế GTGT được Cục Thuế Tp. Hà Nội thực hiện bằng phương thức điện tử và đúng thời hạn, việc giải quyết hoàn thuế GTGT được triển khai đúng quy định pháp luật, đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế”, ông Nguyễn Hữu Hùng thông tin.
Thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ trên địa bàn, về phía Tp. HCM, lãnh đạo Cục Thuế thành phố cho biết, tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, cục thuế đã giải quyết hoàn thuế cho 61 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn trên 163 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Tp. HCM, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh thì cơ quan thuế chủ yếu xác minh đến DN trung gian bán hàng trực tiếp cho DN hoàn thuế (DN F1). Cụ thể, trong 58 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các DN trung gian, có 50 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F1, chiếm tỷ lệ 86%, 8 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F2, chiếm tỷ lệ 14%.
Cũng qua công tác xác minh, Cục Thuế Tp. HCM phát hiện có 48 DN trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, cụ thể: có 30 DN F1 tạm dừng hoạt động, 13 DN F1 bỏ địa chỉ kinh doanh, 4 DN F2 tạm dừng hoạt động, 1 DN F2 bỏ địa chỉ kinh doanh.
Phản ánh về khó khăn trong công tác hoàn thuế, ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, từ tháng 11/2022, công ty đã nộp hồ sơ hoàn thuế đến Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị được hoàn trên 12 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Tuy nhiên, đến nay DN vẫn chưa được hoàn thuế, bởi trong bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế có một số hóa đơn mua vật tư của những DN cung cấp hàng hóa cho DN nhưng không kê khai nộp thuế, DN đã ngừng nghỉ kinh doanh hoặc đã bỏ trốn, nên đã bị cơ quan thuế đưa vào diện rủi ro cao chờ xác minh.
Ông Nguyễn Đăng Lợi đề xuất, đối với những hồ sơ chứng từ DN đã hoàn thiện, đề nghị cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước cho DN được hoàn thuế trước, còn những hồ sơ có dấu hiệu rủi ro, cần chờ xác minh thì dừng lại. Được hoàn thuế, DN có thêm nguồn vốn để quay vòng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn trong công tác hoàn thuế GTGT, ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, trong quá trình giải quyết hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế ghi nhận có một số khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong đó, một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có rủi ro cao về mặt hàng, hình thức, đối tác xuất khẩu; sử dụng hóa đơn của các DN ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc có giao dịch với đối tác nước ngoài không tồn tại, không thừa nhận phát sinh giao dịch nhập khẩu..., cần phải xác minh, đối chiếu chi tiết để xác định chính xác số thuế đủ điều kiện hoàn theo quy định với phạm vi, mức độ, đầu mối phối hợp xác minh lớn dẫn đến phải kéo dài thời xác minh, giải quyết.
Để thực hiện giải quyết hoàn thuế GTGT đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, Cục Thuế Tp. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ 8 nội dung, công việc mà Tổng cục Thuế xác định tại công văn 2099/TCT-KK và tập trung triển khai một số giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian giải quyết hoàn thuế cho DN.
Theo đó, Cục Thuế Tp. Hà Nội tiếp tục quán triệt và giám sát các công chức thuế tuân thủ đúng quy định pháp luật, quy trình hoàn thuế với tinh thần trách nhiệm, đồng hành với người nộp thuế ở mức cao nhất; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra hoàn thuế để rút ngắn thời gian xử lý nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả, chính xác trong công tác hoàn thuế.
Cùng đó, Cục Thuế Tp. Hà Nội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị, cơ quan có liên quan để rút ngắn thời gian xác minh làm cơ sở xác định, kết luận kịp thời nhất về số thuế đủ điều kiện giải quyết hoàn. Kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện quy định pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ hoàn thuế...
“Để công tác hoàn thuế cho DN được thuận lợi, Cục Thuế Tp. Hà Nội mong nhận được sự phối hợp của các DN trong quá trình giải quyết hoàn thuế, đặc biệt là sự chủ động tuân thủ đúng quy định pháp luật , hướng dẫn của cơ quan thuế cũng như chủ động rà soát, đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị hoàn thuế, Cục Thuế Tp. Hà Nội sẽ giải quyết hoàn thuế đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Hùng chia sẻ.
T.M (tổng hợp)