Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu ‘phạt nguội’, ‘trả tiền sau’ với thẻ ETC không đủ tiền
Sau hơn nửa tháng thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc, nhiều bất cập đã phát sinh như chồng chéo giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, hệ thống nhận diện thẻ chưa đồng bộ, thẻ chồng thẻ, thẻ không đủ tiền… gây ảnh hưởng không nhỏ việc giao thông qua các trạm.
Theo Tổng cục Đường bộ, xe qua làn thu phí tự động không dừng (ETC) nếu không đủ tiền trả phí vẫn được lưu thông bình thường nhưng kèm theo đó là thông báo sẽ bị phạt nguội. Thông báo về phương tiện vi phạm được gửi vào dữ liệu của cảnh sát giao thông.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nói các lỗi phát sinh được phân ra làm 2 nhóm lỗi.
Trong đó, nhóm lỗi chủ quan của chủ phương tiện như chưa dán thẻ đầu cuối trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản.
Nguyên nhân do nhiều chủ phương tiện chưa nắm được việc thực hiện thu phí không dừng toàn bộ trên các tuyến cao tốc nên đến trạm thu phí mới dán thẻ, vì vậy tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời; chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền chưa kịp về tài khoản.
Đối với các lỗi chủ quan của hệ thống thu phí, phần lớn là do hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ vì nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng, thẻ bị dán sai quy cách.
Theo ông Thắng, thời gian tới, Tổng cục sẽ nghiên cứu chế tài “phạt nguội” đối với phương tiện đi qua trạm thu phí.
Theo đó, xe qua trạm thu phí nếu không đủ tiền trả phí vẫn được lưu thông bình thường nhưng kèm theo đó là thông báo sẽ bị phạt nguội. Thông báo về phương tiện vi phạm được gửi vào dữ liệu của cảnh sát giao thông.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng sẽ nghiên cứu hình thức “trả tiền sau” để các phương tiện không đủ tiền qua trạm không làm gián đoạn lưu thông của các phương tiện khác.
Ông Thắng cho biết khi các biện pháp phạt nguội, trả tiền sau đã được áp dụng, về lâu dài sẽ nghiên cứu bỏ thanh chắn barie tại trạm thu phí để phương tiện có thể lưu thông nhanh. Công nghệ sẽ cho phép đọc thẻ ETC khi xe đang chạy tốc độ lên tới 120 km/h.
“Phương án trả sau sẽ được nghiên cứu để tạo điều kiện cho tài xế, tuy nhiên sẽ có vướng mắc khi nhà cung cấp dịch vụ ETC phải thực hiện nguyên tắc thu và hoàn trả nhà đầu tư trong ngày để tránh phát sinh tiền lãi”, ông Thắng nói.
Hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí ETC là VDTC và VETC thống kê đã dán thẻ ETC cho hơn 3,6 triệu phương tiện. Ước tính, cả nước còn khoảng 400.000 phương tiện có nhu cầu, nhưng chưa dán thẻ ETC. Các doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành việc dán thẻ ETC trong tháng 12/2022.
Dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm là “không phù hợp”
Để “thúc” tài xế sử dụng dịch vụ thu phí ETC, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định việc dán thẻ thu phí không dừng ETC là “thủ tục bắt buộc” trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và báo cáo trước ngày 30/8.
Đề xuất này khiến nhiều người cho rằng không phù hợp với thực tế.
Theo nhiều lái xe vận tải, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện, còn việc dán thẻ ETC về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, không ít lái xe hiện nay chỉ chờ hàng trong phạm vị tỉnh, thành phố, không có nhu cầu đi cao tốc hay các công trình BOT giao thông thì không nhất thiết phải dán thẻ ETC.
Anh Cao Cường, kinh doanh vận tải ở phố Trần Quang Khải, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thắc mắc trên báo Tin Tức: “Dán thẻ thu phí ETC và đăng kiểm là quy định hoàn toàn khác nhau. Tôi chỉ chạy xe hợp đồng vận tải hàng hóa trong nội thành, không có nhu cầu đi vào đường cao tốc, tại sao phải dán thẻ ETC? Ngược lại, nếu phương tiện không được đăng kiểm thì không thể tham gia giao thông…”.
Tờ báo cũng dẫn lời luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhìn nhận, mỗi chính sách, quy định hành chính công khi được ban hành đều tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Đăng kiểm là yêu cầu bắt buộc chủ xe, lái xe phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ, còn thu phí ETC là loại hình dịch vụ mà người dùng có quyền được lựa chọn, không thể gộp chung.
Kim Long
Viettel tố cáo VETC dán chồng thẻ thu phí không dừng Etag lên 39.954 xe đã dán ePass
Theo Tập đoàn Viettel, 39.954 xe bị dán chồng thẻ gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng (tính theo giá trị mỗi thẻ là 120.000 đồng) và chi phí nhân công dán mỗi thẻ 50.000…