Tổng công ty Giấy có nguy cơ khó bảo toàn vốn vì dự án bột giấy Phương Nam
Những tồn tại của dự án nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn chưa được giải quyết, như việc chưa hoàn thành quyết toán, vướng kiện tụng, nợ nần làm cho việc xử lý nhà máy gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo về giám sát tài chính năm 2021 của Bộ Công thương, Tổng Công ty giấy Việt Nam (Vinapaco) với 100% vốn nhà nước, vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn trong xử lý dự án nhà máy bột giấy Phương Nam - một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công thương.
Dẫn tới, mặc dù Vinapaco có lãi nhưng tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu thấp là 0,9%, cùng các tồn tại từ các dự án có thể dẫn tới Vinapaco bị giảm vốn giá trị lớn, chưa có cơ sở rõ ràng để đánh giá khả năng bảo toàn vốn của doanh nghiệp này.
Cụ thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã bao gồm số liệu của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đến cuối năm 2021 là 2,988 lần. Hệ số khả năng thanh toán nhanh < 0,5 lần cho thấy công ty này có khó khăn về khả năng thanh toán nợ.
Tuy nhiên, việc bán tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án có vướng mắc do Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) khởi kiện Vinapaco do liên quan đến tài sản thế chấp dự án.
Giá trị hàng tồn kho và tài sản thiếu chờ xử lý của Ban quản lý dự án có tổng số là 12,4 tỉ đồng chưa được xử lý, gồm: giá trị lượng đay đã mục nát, xuất kho thanh lý năm 2012 và giá trị hàng tồn kho bị thiệt hại do sự cố tràn hóa chất. Hiện khoản vay của dự án nhà máy bột giấy Phương Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Ngoài ra, Vinapaco còn đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ nguồn tín dụng đầu tư tại dự án trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum, hiện đang phải thu xếp, hỗ trợ dự án này trả nợ giá trị trên 300 tỉ đồng. Việc đầu tư tại Công ty Cổ phần Giấy BBP gặp vướng mắc và dự án hiện đã dừng hoạt động.
Với những dự án kém hiệu quả, tổng nợ phải trả của Vinapaco giảm 305 tỉ đồng, tương đương 6,93% so với đầu năm. Trong đó nợ vay giảm 319 tỉ đồng, chủ yếu do phân loại các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn phải trả trong năm sau sang nợ ngắn hạn.
Các khoản phải thu ngắn hạn cuối năm giảm 40,21 tỉ đồng, tương đương giảm 6,37% so với thời điểm 1-1-2021, trong đó chủ yếu giảm phải thu của khách hàng. Tổng dư nợ xấu đến thời điểm ngày 31-12-2021 là 61,31 tỉ đồng, giảm 2,37 tỉ đồng so với đầu năm.
Kinh doanh của HABECO giảm sút
Báo cáo cũng nêu ra tình hình hoạt động của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cho thấy doanh thu và thu nhập khác năm 2021 đạt 5.364,81 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2020, tương đương 399 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 376,87 tỉ đồng, bằng 53% so với năm 2020 do lợi nhuận năm 2020.
Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 của doanh nghiệp có lãi, lợi nhuận sau thuế đạt 310,5 tỉ đồng, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 5%; tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 8%.
Lý giải về lợi nhuận sau thuế năm 2021 giảm so với năm 2020 được cho do trong năm, việc áp dụng nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Bộ Công thương đánh giá mặc dù HABECO bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp hiệu quả nhưng có giảm sút trong những năm gần đây. HABECO hiện có vốn góp đầu tư tại 26 công ty, gồm 16 công ty con, 6 công ty liên doanh, liên kết, 4 đơn vị đầu tư khác, trong đó 11 doanh nghiệp có lỗ, lũy kế lỗ.
4 công ty con có kết quả kinh doanh lỗ bao gồm Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội, Công ty CP Bia Hà Nội - Thái Bình, Công ty CP Bia Rượu nước giải khát Hà Nội - Quảng Ninh, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại Long An - 1 trong 12 đại dự án nghìn tỉ kém hiệu quả của ngành công thương - hiện nợ đầm đìa, rao bán cũng chẳng ai mua.