Tốn 4,1 tỷ USD để đưa 55kg 'báu vật' đặc biệt lên vũ trụ: Mỹ đang nuôi tham vọng gì?

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 18:22:09

Siêu tên lửa SLS của Mỹ sắp cất cánh. Đi cùng chuyến bay với SLS là những thứ vô cùng đặc biệt!

Dự kiến vào ngày 19/8/2022, NASA sẽ cho phóng siêu tên lửa SLS lên Mặt Trăng - Đây là nhiệm vụ nằm trong sứ mệnh Artemis I thuộc Chương trình Artemis đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2025 của Mỹ.

Trong sứ mệnh đầu tiên này, tên lửa SLS sẽ mang theo tàu vũ trụ Orion gắn trên đỉnh tên lửa. Tuy nhiên, ở Artemis I, tàu vũ trụ Orion sẽ không có phi hành đoàn - con tàu đi vào vũ trụ lần này nhằm thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tuần quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất. Theo NASA, điều đó không có nghĩa là Orion sẽ trống rỗng!


Theo lời của Tổng thanh tra NASA Paul Martin báo cáo trước cuộc họp của Tiểu ban Hạ viện về Vũ trụ và Hàng không trước đó, mỗi một chuyến bay của tên lửa SLS sẽ tiêu tốn của NASA 4,1 tỷ USD. Vậy, chuyến đi mở đầu kỷ nguyên Artemis trị giá 4,1 tỷ USD này, NASA mong muốn mang đi và thu về điều gì?

Khởi hành cùng siêu tên lửa SLS thực hiện chuyến du ngoạn đến Mặt Trăng lần đầu tiên thuộc Chương trình Artemis thế kỷ 21, tàu vũ trụ Orion sẽ mang theo một số 'báu vật' đặc biệt trên tàu.


Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ, sứ mệnh Artemis I sẽ mang theo tổng 55 kg vật lưu niệm và các vật dụng khác trong chuyến bay chính thức của NASA. Bên trong Orion sẽ có ba hình nộm, đồ chơi và thậm chí là Amazon Alexa, cùng với các vật phẩm lịch sử và giáo dục.

Cụ thể gồm những gì?


"Bộ ba đặc biệt" trên tàu vũ trụ Orion

Ngồi trên ghế chỉ huy của tàu vũ trụ Orion trên Artemis I sẽ là Chỉ huy Moonikin Campos.

Moonkin Campos - được đặt theo tên của Arturo Campus, một kỹ sư điện, người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sứ mệnh Apollo 13 trở về Trái Đất an toàn - là một hình nộm thử nghiệm có kích thước bằng con người thực, hiện đã được gắn vào ghế chỉ huy ở Orion.

Trong nhiệm vụ, Moonkin Campos sẽ cung cấp cho các nhà khoa học NASA dữ liệu quan trọng về những gì mà các thành viên phi hành đoàn trong tương lai có thể gặp phải trong chuyến bay.

Do đó, vị trí chỉ huy có các cảm biến ở phía sau ghế ngồi và tựa đầu để theo dõi gia tốc và độ rung trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, dự kiến kéo dài khoảng 42 ngày.

Hình nộm Moonkin Campos cũng sẽ mặc bộ đồ Hệ thống Sinh tồn của Phi hành đoàn Orion mới được thiết kế cho các phi hành gia mặc trong quá trình phóng và tái nhập bầu khí quyển. Bộ đồ có hai cảm biến bức xạ để đo độ phơi nhiễm.

Hình nộm Chỉ huy Moonikin Campos đã được NASA lắp vào ghế chỉ huy tàu Orion. Nguồn: NASA

Moonikin Campos sẽ không đơn độc trong nhiệm vụ Artemis 1 và sẽ được đi cùng với hai "hành khách" khác - là Helga và Zohar - những thân hình nộm sẽ được đưa lên tàu Orion. Hai hình nộm không chân tay này là một phần của Thí nghiệm bức xạ Matroshka AstroRad (MARE), sẽ ghi lại dữ liệu về mức độ bức xạ trong sứ mệnh lên Mặt Trăng.

Những thân hình nộm này (Helga và Zohar) được làm bằng vật liệu mô phỏng mô mềm, các cơ quan và xương của phụ nữ. Hai thân có hơn 5.600 cảm biến và 34 máy dò bức xạ để đo mức độ phơi nhiễm bức xạ xảy ra trong nhiệm vụ.

Bộ ba hình nộm được thiết lập để đi lên bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất và hướng đến Mặt Trăng như một phần của sứ mệnh Artemis 1 dự kiến sẽ phóng vào ngày 29/8/2022.

Các hình nộm này là một phần của Thí nghiệm bức xạ Matroshka AstroRad - công trình hợp tác giữa Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức, Cơ quan Vũ trụ Israel, NASA và các tổ chức trên nhiều quốc gia.

Hai hình nộm Helga và Zohar sẽ bay trên Artenis I. Nguồn: NASA


Alexa

Alexa của Amazon sẽ đồng hành cùng chuyến đi như một cuộc trình diễn công nghệ được phát triển giữa Lockheed Martin, Amazon và Cisco. Bản demo công nghệ, được gọi là Callisto, có các phiên bản được cấu hình lại của Alexa, trợ lý giọng nói của Amazon và nền tảng hội nghị từ xa WebEx của Cisco để kiểm tra cách các ứng dụng này hoạt động trong không gian.

Mục tiêu của Callisto là để chứng minh cách các phi hành gia và người điều khiển chuyến bay có thể sử dụng công nghệ để làm cho công việc của họ an toàn và hiệu quả hơn khi con người khám phá không gian sâu.

Callisto sẽ gắn cùng bảng điều khiển trung tâm của Orion. Máy tính bảng màn hình cảm ứng sẽ chia sẻ video và âm thanh trực tiếp giữa tàu vũ trụ và Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh của Trung tâm Vũ trụ Johnson ở bang Houston, Mỹ.


Vật phẩm đặt biệt trong không gian

Snoopy - nhân vật được yêu thích do họa sĩ hoạt hình người Mỹ Charles M. Schulz (1922-2000) tạo ra đã gắn liền với các sứ mệnh của NASA kể từ Chương trình Apollo hồi thế kỷ 20, khi Charles M. Schulz vẽ những mẩu truyện tranh cho thấy Snoopy trên Mặt Trăng.

Snoopy sẽ đóng vai trò là chỉ thị không trọng lực của Artemis I.

Theo NASA, mô-đun Mặt Trăng của Apollo 10 có biệt danh là "Snoopy" vì công việc của nó là dò tìm địa điểm hạ cánh của Apollo 11 trên Mặt Trăng.

Snoopy sẽ đóng vai trò là chỉ thị không trọng lực của Artemis I. Nguồn: CNN

Chưa hết, một ngòi bút được họa sĩ Charles M. Schulz sử dụng từ Bảo tàng và Trung tâm Nghiên cứu Charles M. Schulz ở Santa Rosa, bang California, cũng sẽ tham gia sứ mệnh Artemis I.

Cơ quan NASA có một lịch sử lâu đời trong việc sử dụng đồ chơi trong không gian làm vật chỉ thị không trọng lực - được đặt tên như vậy bởi vì chúng bắt đầu nổi sau khi tàu vũ trụ đi vào trạng thái không trọng lực.

Là một phần trong sự hợp tác của NASA với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) - cơ quan cung cấp mô-đun dịch vụ cho Orion, một món đồ chơi Shaun the Sheep nhỏ cũng sẽ là hành khách của Artemis I. Nhân vật này là một phần của chương trình dành cho trẻ em từ loạt phim "Wallace và Gromit".

Shaun the Sheep được chụp trước mô hình tàu vũ trụ Orion. Ảnh: AFP

Bốn nhân vật nhỏ Lego cũng sẽ được đưa lên Orion như một phần của quan hệ đối tác liên tục giữa NASA và Lego Group (công ty sản xuất đồ chơi Đan Mạch), với hy vọng thu hút trẻ em và người lớn tham gia giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).


Một con tàu vũ trụ chở quá khứ và tương lai

Bên cạnh các món đồ đã kể trên, Orion còn chở nhiều thứ khác nữa.


Một số hạng mục - chẳng hạn như huy hiệu khoa học vũ trụ của Hội Nữ Hướng đạo Mỹ, hình ảnh học sinh số hóa về khám phá Mặt Trăng từ Cơ quan Vũ trụ Đức; và các bài dự thi kỹ thuật số từ cuộc thi viết luận Artemis Moon Pod - tôn vinh những đóng góp của học sinh và giáo viên với quan tâm đến STEM, sẽ có mặt trên Orion trong sứ mệnh Artemis I.


Nhiều loại cây và hạt giống cây trồng sẽ có mặt trên tàu Orion để tuân theo một truyền thống tương tự bắt đầu trong sứ mệnh Apollo 14 của NASA. Các hạt giống sau đó đã được trồng và trở thành "Cây Mặt Trăng" như một phần của thí nghiệm nhằm tìm hiểu tác động của môi trường không gian đối với hạt giống Trái Đất.

Nhân viên kiểm tra các bản vá nhiệm vụ của Artemis I trước chuyến bay.


Một số vật phẩm của Apollo được mang theo cho chuyến đi , bao gồm huy chương kỷ niệm Apollo 8; miếng dán logo sứ mệnh Apollo 11; một chiếc bu-lông từ một trong các động cơ F-1 của Apollo 11; cùng một viên đá Mặt Trăng nhỏ được thu thập trong sứ mệnh Apollo 11.

Các vật phẩm này được chia sẻ bởi Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ, nơi sẽ trưng bày chúng trong một cuộc triển lãm khi chúng trở về.

Bu-lông - Một trong những phần thuộc động cơ F-1 của Apollo 11 sẽ bay trên Artemis I. Ảnh: CNN

Các tác phẩm văn hóa cũng sẽ có trên chuyến bay Artemis I. Một bản sao in 3D của nữ thần Hy Lạp Artemis sẽ tham gia chuyến du hành vũ trụ và sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Acropolis của Hy Lạp.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã chia sẻ một tấm bưu thiếp về tác phẩm nghệ thuật "Chuyến du hành lên Mặt Trăng" nổi tiếng của Georges Méliès trong chuyến đi lịch sử này.

Và Cơ quan Vũ trụ Israel đã tặng một viên sỏi từ bề mặt đất khô thấp nhất trên Trái Đất, bờ Biển Chết, để du hành trên Artemis 1, một chuyến bay sẽ mạo hiểm hơn bất kỳ con người nào trước đây.

Tất cả đều rất đáng quý và có ý nghĩa quan trọng đối với hành trình khám phá không gian của Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới!

Artemis I - sứ mệnh khởi động Chương trình Artemis, với mục đích cuối cùng đưa con người trở lại Mặt Trăng trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21 - mang một truyền thống bắt đầu từ những năm 1960 của tàu vũ trụ NASA mang theo vật lưu niệm.

Tất cả những thứ đi cùng SLS trong sứ mệnh Artemis I đều có ý nghĩa rất đặc biệt với NASA nói riêng và nhân loại nói chung. Chúng thể hiện thành tựu vang dội trong quá khứ, lòng biết ơn cùng sự tự hào của những thành tựu đã qua và hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn ở tương lai trong hành trình khám phá không gian của con người.


Sứ mệnh Artemis I thành công sẽ cung cấp nền tảng cho hoạt động khám phá không gian sâu của con người và chứng minh khả năng của NASA trong việc mở rộng sự hiện diện của con người lên Mặt Trăng và hơn thế nữa.

Mục tiêu chính của Artemis I là kiểm tra kỹ lưỡng tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và các hệ thống tích hợp của tàu vũ trụ Orion trước khi thực hiện các nhiệm vụ có con người thực hiện.

Dưới sự dẫn dắt của Chương trình Artemis, NASA đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng và sau đó thiết lập hoạt động khám phá Mặt Trăng bền vững.

Chia sẻ Facebook