Tokyo phản đối Bắc Kinh xây dựng trong khu vực chồng lấn ở biển Hoa Đông

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:12:05

Ngày 21-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói ông thất vọng trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực hai bên có tranh chấp ở biển Hoa Đông, cho biết đó là chuyện 'không thể chấp nhận'.

Tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông - Ảnh: REUTERS


Theo Hãng tin Reuters, ông Kishida cho biết Chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.

Trong khi đó, Hãng tin AFP cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc sau khi phát hiện những gì mà Tokyo cho rằng Bắc Kinh đang phát triển các mỏ khí đốt trong những vùng biển có tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố xác nhận sự gia tăng các nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực chồng lấn các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước.

Nhật Bản "thúc đẩy mạnh mẽ việc nối lại các cuộc đàm phán về việc thực hiện" một thỏa thuận song phương ký kết năm 2008 về phát triển các nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu.

Theo thỏa thuận, Tokyo và Bắc Kinh nhất trí cùng nhau phát triển trữ lượng khí đốt dưới biển trong khu vực tranh chấp, cùng với lệnh cấm khoan mỏ độc lập từ một trong hai nước.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc thực thi thỏa thuận đã bị đình chỉ năm 2010.

"Thật đáng tiếc khi phía Trung Quốc đang đơn phương tiến hành các hoạt động phát triển trong các vùng biển này. Ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vẫn chưa được xác định tại biển Hoa Đông", Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói thêm.

Tokyo từ lâu đã sử dụng khái niệm đường trung tuyến tính theo đường bờ biển cơ sở của hai nước để vạch ra ranh giới, xác định vùng đặc quyền kinh tế của mỗi bên tại biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận đường trung tuyến này, cho rằng ranh giới nên được kéo gần về phía Nhật Bản hơn.

Tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh lực lượng phòng không Thái Bình Dương của Mỹ, xác nhận 2 chiến đấu cơ của Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc chạm trán trên biển Hoa Đông.

Chia sẻ Facebook