Tokugawa Ieyasu: Người đưa Nhật Bản đến thời kỳ Edo thịnh trị
Thời kỳ Edo được xem là thời kỳ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản, gắn liền với tên tuổi Tokugawa Ieyasu. Ông được xem là một trong 12 người khai sáng nên nước Nhật.
Tiếp theo :
Ngay trước khi Tokugawa Ieyasu thâu tóm quyền lực và tạo nên thời kỳ Edo, Nhật Bản đã xuất hiện 2 cá nhân rất kiệt xuất là Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Cả hai đều có thể coi là nhân vật hùng tài đại lược, nhưng lại thiên về vũ lực, vì thế mà không được lâu dài. Bản thân Oda Nobunaga bị thuộc hạ làm phản và giết chết khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực.
Toyotomi Hideyoshi đi theo Oda Nobunaga, xuất thân từ tầng lớp thấp, phải chịu khổ lang bạt khắp nơi, không được học hành giáo dục đầy đủ, nhưng lại có tính chịu khó, nhẫn nại, khiêm tốn, nên đã vươn lên đến đỉnh cao. Tuy nhiên đến khi có quyền lực thì Toyotomi Hideyoshi bắt đầu hưởng lạc, thể hiện sự tàn nhẫn, không thể lấy được lòng người, lại nuôi mộng bá chủ, nên sau khi ông mất thì nhà Toyotomi cũng xuống dốc, không còn có thể tiếp tục cai quản Nhật Bản nữa.
Tiếp nối sự nghiệp của các lãnh chúa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, sau một quá trình thâu tóm quyền lực, đến năm 1603, Tokugawa Ieyasu nhận tước hiệu Chinh di Đại tướng quân từ Thiên hoàng Hậu Dương Thành và lập ra Mạc Phủ.
Thiên Hoàng vẫn ở Kinh đô Kyoto, trong khi đó Mạc phủ Tokugawa Ieyasu là người nắm thực quyền, chuyển hành dinh đến Edo (sau này trở thành thủ đô Tokyo của Nhật Bản), từ đó Kyoto bị lu mờ, quyền hành thực sự nằm ở Edo. Do đó thời kỳ do Tokugawa Ieyasu sáng lập nên còn gọi là thời kỳ Edo.
Năm 1605, Tokugawa Ieyasu thoái vị để con trai lên thay, nhưng ông vẫn nắm mọi quyền hành cho đến khi mất.
Tokugawa Ieyasu đã dành nhiều tâm huyết suy nghĩ về việc trị quốc, làm thế nào để trị quốc thành công, khiến Nhật Bản trở nên hùng mạnh. Ông hiểu rằng người ta có thể giúp giành thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể cai trị thiên hạ trên lưng ngựa.
Nhìn vào thế hệ đi trước là Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu thấy họ đã dùng vũ lực cai trị, khiến người khác vì khiếp sợ mà tạm thời khuất phục, nhưng không thể lâu bền.
Tokygawa Ieyasu là người đam mê tìm hiểu kinh điển Nho gia. Ông cho rằng Nhật Bản muốn phát triển thì cần áp dụng tư tưởng của Nho gia. Cuốn sách ông yêu thích là “Luận ngữ” của Khổng Tử và cuốn “Trinh Quán Chính Yếu” ghi chép về thời Hoàng đế Đường Thái Tông. “Trinh quán chính yếu” mô tả việc Đế Vương vận dụng tư tưởng Nho gia vào việc trị quốc như thế nào, cách hành xử khi là bậc Thiên tử ra sao.
Để hấp thụ được tinh hoa từ cuốn “Trinh Quán Chính Yếu” , Tokygawa Ieyasu đã mời nhà Nho học nổi tiếng bậc nhất lúc đó là Fujiwasa Seika đến giảng giải cuốn sách này cho mình. Đồng thời ông cũng lệnh cho xuất bản cuốn sách này để phổ cập ngoài xã hội, các lãnh chúa địa phương đều cần đọc và áp dụng vào việc trị quốc.
Thời đấy tầng lớp Samurai là tầng lớp cao quý nhất. Tokygawa Ieyasu đã yêu cầu các Samurai phải học “Luận ngữ”. Ông cũng yêu cầu tầng lớp này phải có “tín nghĩa”. Ông cho rằng càng cao quý, càng muốn làm được việc lớn thì càng phải có “tín nghĩa” . Từ đây mà khái niệm “võ sĩ đạo” hình thành, Samurai trở thành những kẻ sĩ có chuẩn mực đạo đức cao thượng.
Một lối sống khác cũng hình thành trong thời kỳ này, là Chōnindō, nghĩa là lối sống của người thành thị. Lối sống này khuyến khích dân chúng ở các thành phố lớn hướng đến chuẩn mực như “võ sĩ đạo” là siêng năng, trung thực, trọng danh dự, trung thành và thanh đạm.
Nho giáo phát triển giúp đặt định cơ sở vững chắc để Nhật Bản hưng thịnh. Kinh tế và các ngành nghề thủ công, giao thông được cải thiện nhằm phục vụ giao thương, các thị trấn sầm uất mọc lên ngày càng nhiều, giới thương gia trở nên giàu có.
Thời kỳ này Nhật Bản cũng tiếp thu khoa học và công nghệ phương Tây như Lan học (hay “rangaku” ), là học vấn của người Hà Lan về địa lý, dược học, khoa học tự nhiên, thiên văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, cơ học.
Kinh tế phát triển, dân chúng có cuộc sống sung túc dẫn đến nhu cầu văn hóa cũng tăng cao, đặc biệt là nghệ thuật. Văn hóa nghệ thuật thời kỳ này phát triển mạnh, bao gồm văn học, thơ ca, kinh kịch, hội họa. Ngoài ra tranh nghệ thuật của thời kỳ này cũng hưng thịnh.
Về mặt tín ngưỡng thì Phật giáo và Thần đạo cũng có bước phát triển lớn.
Thời kỳ Edo kéo dài 300 năm được coi là thời kỳ thịnh trị bậc nhất, đưa văn hóa Nhật Bản đến đỉnh cao. Có rất nhiều câu chuyện và giai thoại về Tokygawa Ieyasu ở nước Nhật, cho thấy sự kính ngưỡng của người dân đối với ông. Họ coi Tokygawa Ieyasu như Thánh nhân.
Ngày nay, tư tưởng của Tokygawa Ieyasu ảnh hưởng sâu sắc đến người Nhật, hình ảnh của ông xuất hiện trong vô số các câu chyện, sách báo và phim ảnh.
Trần Hưng
Mời xem video :