"Tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự hoàn toàn không phù hợp"

Chia sẻ Facebook
24/07/2022 14:10:43

Nộp tiền khắc phục hậu quả chỉ là biện pháp để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc thi hành án để thu hồi lại tài sản bị tham nhũng.

Tại buổi họp báo thường kỳ về công tác Tư pháp vừa qua, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn khi thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản thực tế để thu hồi là rất ít.

Về ý kiến để tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, ông Lợi cho hay đây là quan điểm không mới tại nghị quyết Trung ương khoá X cũng nêu rõ rằng chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng với những người có thái độ thành khẩn, thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Việc tội phạm ăn năn giao nộp cũng nên có các tình tiết giảm nhẹ.

Trước ý kiến trên của Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin, Người Đưa tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Hồng Dương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.


Về quan điểm của mình, Luật sư Dương cho rằng, không thể nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự . Ý kiến để tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự hoàn toàn không phù hợp. Cốt lõi ở đây phải là hạn chế được tội phạm tham nhũng.

Từ đó, Luật sư Dương lý giải: "Khi có ý định tham nhũng sẽ nghĩ đến việc nếu bị phát hiện, họ chỉ cần nộp lại tài sản tham nhũng thì sẽ có thể thoát “án tử”. Chưa kể, có thể có các kẽ hở trong việc đánh giá mức độ thiệt hại sẽ khiến thiệt hại được đánh giá thấp hơn thực tế. Như vậy, kể cả khi nộp tiền rồi, người phạm tội tham nhũng vẫn còn một khoản tiền để lại khi đã thoát tội".

Luật sư Đặng Hồng Dương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng

Vị Luật sư này cũng nhấn mạnh, cần phải nói lại rằng việc cốt lõi phải làm hạn chế được tội phạm tham nhũng. Cho nên, đầu tiên là phải tăng mức hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, để có đủ tính răn đe làm giảm số lượng vụ án tham nhũng khi tội phạm tham nhũng phải chịu mức hình phạt cao hơn nhiều so với trước.

"Phải phân hoá mức độ khắc phục thiệt hại và số tiền khắc phục thiệt hại, trong đó cần phân tích mức độ khác nhau của việc tự giác khai báo và nộp lại tiền tham nhũng trước khi bị phát hiện; nộp tiền khắc phục và tự hợp tác trong quá trình điều tra; khắc phục trong quá trình xét xử và sau khi bản án có hiệu lực. Bởi, không chỉ là vấn đề nộp lại tiền tham nhũng, những thời điểm khác nhau của việc hợp tác và khắc phục phản ánh các mức độ khác nhau của nhận thức và tính chất nguy hiểm, ý chí thực hiện tội phạm của người có hành vi tham nhũng", Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng nên quan điểm.

Luật sư Đặng Hồng Dương cũng đưa ra một số giải pháp trong việc hạn chế tội phạm về tham nhũng như:

Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh tăng lương đối với cán bộ, công chức nhằm nâng cao, cải thiện đời sống. Đi đôi với đó là tăng mức hình phạt đối với tội phạm tham nhũng.

Bên cạnh đó, triển khai toàn diện việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Đặc biệt, sẽ thu hồi những tài sản mà tội phạm tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó để giảm thiểu tối đa tài sản thất thoát.

Đi đôi với đó là công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm tra chéo giữa các bộ, ban, ngành và trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện.


Cùng quan điểm với Luật sư Phạm Hồng Dương, Luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Việt Global cho biết, đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức có quyền, có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật .

Nộp tiền khắc phục giảm án đề xuất này rất dễ bị lợi dụng vào việc “khắc phục hậu quả” để trốn tránh trách nhiệm, cụ thể, các đối tượng sẵn sàng tham nhũng nhiều hơn rồi nộp lại tài sản để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Ở một khía cạnh khác, Luật sư Quỳnh phân tích, cần phải cân nhắc, xem xét rất kỹ trước khi áp dụng đề xuất này. Việc cho nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ đưa đến hệ lụy không mong muốn là khuyến khích tội phạm tham nhũng?

Nộp tiền là một biện pháp khắc phục chứ không phải là một biện pháp răn đe đối với tội phạm tham nhũng. Trong các vụ án tham nhũng, việc thu hồi lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát là điều cần thiết, sau khi thu hồi có thể xem xét việc giảm nhẹ hình phạt chứ không nên để tình trạng “nộp tiền thay vì đi tù” xảy ra.


Vị Luật sư này cho biết: Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung một quy định rằng án tử hình sẽ được thay thế bằng án tù chung thân nếu một người “bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ”.


Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng lo ngại rằng nó tạo động lực cho các quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng lớn hơn. Tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 góp phần mang lại hiệu quả tốt cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.


Bởi trong nhiều trường hợp nếu biết dù có nộp hay không nộp lại tài sản tham nhũng vẫn bị kết án và bị thi hành án tử hình, rất có thể quan tham sẽ chọn cách không nộp lại tài sản. Và đó là một trong những lý do để suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ quan tham.

Chia sẻ Facebook