Tội phạm chứng khoán "nhờn" luật

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 00:47:29

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Cho ý kiến thảo luận đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Chính phủ, lãnh đạo một số tập đoàn tư nhân đã bị khởi tố liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản. Đây là các vụ án tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thời gian qua. Theo bà Hoa, qua những vụ án này, cơ quan điều tra phát hiện nhiều hành vi, vi phạm như: Mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của cổ đông lớn, người có liên quan.

Bên cạnh đó là thao túng thị trường bằng cách mượn, thuê người mở nhiều tài khoản chứng khoán nhằm liên tục mua bán cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau, tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu thu hút nhà đầu tư trên thị trường, sau đó bán cổ phiếu thu lợi bất chính.

Làm giả hồ sơ tài liệu, tăng vốn khống sau đó phát hành trái phiếu. Tung tin giả mạo trên thị trường trên các mạng xã hội, lôi kéo các nhóm tư vấn.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chỉ ra những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh thời gian qua


"Các hành vi với những thủ đoạn nêu trên đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nhà đầu tư, làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, giảm niềm tin của nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán", đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh.

Đại biểu Hoa đã chỉ ra các nguyên nhân cho thực trạng này. Thứ nhất, do sự sơ hở, bất cập của hệ thống pháp luật trên thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng các quy định của luật như việc nâng khống vốn điều lệ trước khi niêm yết trên thị trường đã được các đối tượng thực hiện dễ dàng, qua mắt cơ quan chức năng.

Cùng với đó là sự tinh vi, liều lĩnh và bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ phạm tôi, thậm chí đưa cả người nhà cùng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra là sự buông lỏng của một số cơ quan quản lý có thẩm quyền trong giai đoạn nhất định. Điều đáng lưu ý là, có những hành vi như nêu trên đã xảy ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện, hoặc từng bị phát hiện nhưng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

"Điều này tạo nên tâm lý nhờn luật của đối tượng phạm tội", bà Hoa nhấn mạnh

Nữ đại biểu bày tỏ nhất trí với quan điểm đó là không bỏ ngỏ tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm quy định của pháp luật nhưng cũng tạo điều kiện cho đối tượng khắc phục vi phạm.

Từ thực tiễn, đại biểu Hoa đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan nếu có đầy đủ số liệu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, so với cuối năm ngoái, vốn hóa 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM giảm đến 31,2% so với cuối năm 2021


Sáng nay trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Uỷ ban Tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết còn tình trạng lợi dụng sơ hở của công tác quản lý Nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.


Theo Uỷ ban Tư pháp, điều này gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ, trong đó, có hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.

Báo cáo điểm tên một số vụ án như: Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo; vụ án Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 31/10, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với cuối tháng trước và giảm 31,4% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 214,31 điểm, giảm 14,4% so với cuối tháng trước và giảm 54,8% so với cuối năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 27/10/2022 ước đạt 5,343 triệu tỷ đồng, giảm 31,2% so với cuối năm 2021.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.030 tỷ đồng/phiên, giảm 16,7% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.365 tỷ đồng/phiên, giảm 19,7% so với bình quân năm trước.

Chia sẻ Facebook