"Tội đồ" nào khiến VN-Index bay gần 29 điểm, vốn hóa HoSE mất gần 114.000 tỷ đồng ngay trong phiên đầu tuần?
Tính chung trên toàn thị trường, có tới 765 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 93 mã giảm hết biên độ.
Tâm lý kém tích cực bao trùm thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần 19/9, thị trường "rực lửa" trong hầu hết thời gian giao dịch. Chỉ số VN-Index có thời điểm đánh rơi gần 30 điểm, về sát mốc 1.200 dưới áp lực bán tháo mạnh đẩy hàng trăm cổ phiếu nằm sàn la liệt. Tính chung trên toàn thị trường, có tới 765 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 93 mã giảm hết biên độ.
Tuy nhiên ngưỡng 1.200 điểm đang tỏ ra là "vùng hỗ trợ của mọi thời đại", lực cầu được kích hoạt đôi chút khi chỉ số chạm về sát ngưỡng này giúp thị trường hồi phục, qua đó thu hẹp đà giảm. VN-Index đóng cửa tại mức 1.205,43 điểm, tương ứng mức giảm gần 28,6 điểm trong phiên hôm nay. Mức giảm này cũng khiến VN-Index dẫn đầu trong top chỉ số chứng khoán “tệ” nhất thế giới trong phiên hôm nay 19/9.
Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh trong phiên hôm nay. Có tới 27/30 mã giảm điểm trong rổ VN30, trong đó có đến 23 mã giảm sâu dưới 2%. Ngược lại, chỉ có FPT và VIC ghi nhận sắc xanh, song mức độ đóng góp cho thị trường không quá đáng kể.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí IDJ, LDG, KBC, DPG, HDC, CII, FTS, APG, VIX, VCI, BSI... còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua".
Cổ đông nhóm ngân hàng cũng có một phiên không mấy vui vẻ khi mức tăng trên 2% xuất hiện tại hầu hết các mã, các "ông lớn" như CTG, BID, VCB, MBB, TCB, STB, ACB, VIB,... đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Diễn biến tiêu cực còn được ghi nhận tại các cổ phiếu ngành thép khi TLH, HSG, NKG, SMC giảm hết biên độ. Tại nhóm dầu khí, duy nhất PVB và PGS giữ được sắc xanh khi tăng hơn 1%; còn lại BSR, OIL, PVB, PVS, POS, PGC... đồng loạt giảm điểm, PVD giảm sàn. Tương tự, nhóm phân bón ghi nhận DCM, DPM, BFC giảm kịch sàn, các mã khác cùng đồng loạt chìm trong sắc đỏ rực.
Phiên "thứ hai đen tối" đã "thổi bay" hơn 113.830 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về mức 4.792.659 tỷ đồng.
Xét về mức độ đóng góp cụ thể, bộ đôi bluechips GVR và BID trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới 3,4 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, GVR giảm sàn 6,9% về mức giá 22.900 đồng/cổ phiếu, khiến VN-Index giảm hơn 1,7 điểm; BID giảm sâu 3,7% về 34.200 đồng/cp, khiến VN-Index giảm gần 1,7 điểm.
Bên cạnh đó, GAS và VCB tiếp tục là hai nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lần lượt lấy đi 1,44 điểm và 1,43 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn đầu ngành dầu khí và ngân hàng này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi GAS điều chỉnh tới 2,7%, về mức 108.000 đồng/cp thì VCB cũng giảm 1,5% xuống 78.800 đồng/cp.
Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như VHM, MWG, NVL, BVH, HPG... Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường hôm nay như MBB, CTG, TCB, VPB, TPB, ...
Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng bluechips dòng bất động sản điều chỉnh đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh. Cộng thêm lực cầu chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại khiến thị trường càng mất đi lực chống đỡ.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu VIC, EIB, FPT, HAG, HHV, HPX cũng không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh. Theo đó, GVR ngược dòng tăng nhẹ 0,6% lên mức 62.900 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 0,4 điểm. EIB và FPT cũng xuất sắc đi ngược xu hướng điều chỉnh, tăng lần lượt 2,3% và 0,7% cũng giúp thị trường chung bớt phần ảm đạm.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá VN-Index đang có những diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới khi phải chịu áp lực giảm điểm khi Mỹ công bố CPI cao hơn dự kiến. Thanh khoản trong những phiên cuối tuần có phần sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng và lo ngại về những rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tuần qua, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng cao vượt kỳ vọng thị trường bất chấp việc giá nhiên liệu đã hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, các kỳ vọng thị trường về việc tăng lãi suất có thay đổi đáng kể. Cụ thể, Fed khả năng cao sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp vào tháng 9 diễn ra vào tuần tới. Thậm chí, đã có các kỳ vọng đề cập đến cả khả năng tăng 100 điểm. Như vậy rủi ro điều chỉnh về mặt định giá vẫn hiện hữu với các tài sản có mối liên hệ với lãi suất dài hạn. Với các diễn biến này, tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trong tuần tới khi các mục tiêu liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang gặp thách thức lớn.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ vững tâm lý, không bán đuổi khi thị trường hoảng loạn, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để mua gom cổ phiếu đang tích lũy sideway tốt trong biên độ 10% cho nhịp tăng sắp tới.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC đánh giá trong tuần này, bối cảnh thị trường sẽ rất biến động trước cuộc họp của FED. Nhiều quan điểm cho rằng việc FED tăng lãi suất đã phản ánh vào giá, tuy nhiên diễn biến của thị trường trái phiếu chưa có thấy điều đó khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn đang có dấu hiệu vượt đỉnh. Mùa KQKD cũng sẽ dần được khởi động vào cuối tháng 9, đây có thể là yếu tố có thể kỳ vọng cho thị trường, tuy nhiên mức độ phân hóa rất cao.
Theo vị chuyên gia đến từ HSC, thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng quanh 1.200-1.220 điểm. Thị trường chưa sôi động nhưng vẫn khả năng có những con sóng nhỏ theo ngành trong mùa KQKD sắp tới. Lưu ý rằng, một số khoản trái phiếu đáo hạn vào quý 3 cũng gây áp lực nhất định lên thanh khoản, thanh khoản thị trường vẫn kỳ vọng ở mức thấp.