Tội ác đẫm máu ở nhà tù đen (P4): Thu hoạch nội tạng sống – Tội ác chưa từng có

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:25:16

Một cảnh sát từng chứng kiến các bác sĩ mổ lấy nội tạng của một nạn nhân cho biết: Cô ấy chết trong khi nhận biết rõ quá trình nội tạng của mình bị lấy ra khỏi cơ thể. Ngoài ra nạn nhân này nhiều lần bị đánh đập và bị cưỡng hiếp 1 tháng trước khi bị thu hoạch nội tạng…

Nạn giết hại học viên Pháp Luân Công để cung cấp nội tạng cho các ca ghép tạng lần đầu bị đưa ra ánh sáng vào năm 2006.

Một nhân chứng đồng ý tiết lộ thông tin này là Peter (hóa danh), một nhà báo từng dành 6 năm để điều tra một cơ sở bí mật ở Tô Gia Đồn, tỉnh Thẩm Dương, Trung Quốc – nơi giam giữ số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công. Một nhân chứng nữa là Annie (hóa danh), vợ cũ của một bác sĩ phẫu thuật từng tham gia mổ lấy giác mạc từ các học viên Pháp Luân Công. Cả hai đều nói rằng nội tạng và mô tế bào của các nạn nhân bị lấy ra trong khi họ vẫn còn sống, sau đó, thi thể họ đã bị hỏa táng

Không lâu sau, một bác sỹ quân y Trung Quốc xác nhận câu chuyện của Annie, cho biết Tô Gia Đồn chỉ là một cơ sở trong mạng lưới 36 trại tập trung ở Trung Quốc.

Nhiều nhà điều tra và phóng viên quốc tế cùng các tổ chức phi chính phủ đã điều tra và xác nhận những thông tin này. Năm 2016, trang web Minh Huệ đã công bố những báo cáo chuyên sâu về vấn đề này: ‘Báo cáo nhân quyền Minh Huệ: Học viên Pháp Luân Công bị giết một cách có hệ thống ở Trung Quốc để lấy nội tạng’

Các học viên Pháp Luân Công tái hiện việc thu hoạch nội tạng của chính quyền cộng sản Trung Quốc từ tù nhân lương tâm để nâng cao nhận thức về thực trạng giết hại các học viên ở Trung Quốc. (Ảnh: Minh Huệ)

Nguồn nội tạng dồi dào với thời gian chờ cực ngắn dù khan hiếm nguồn tạng hợp pháp

Cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng từ năm 2000; tính đến năm 2007 đã có hơn 1.000 bệnh viện thực hiện ghép tạng. Trong khi thời gian chờ ghép tạng trung bình ở các nước khác là 3-5 năm hoặc lâu hơn, các bệnh viện Trung Quốc có thể cung cấp nội tạng chỉ trong 1-2 tuần. Hơn nữa, các ca cấy ghép cho người nước ngoài có thể được lên lịch trước, như vậy, phải có kế hoạch chết từ trước cho người hiến tạng.

Số ca cấy ghép nội tạng tăng lên nhanh chóng trong khi nguồn hiến tạng vô cùng khan hiếm. Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu thí điểm một hệ thống hiến tạng và phân phối nội tạng toàn quốc; trong 2 năm đầu chỉ có được 207 người hiến tạng. Số còn lại được chính phủ xác nhận là từ tử tù, song số án tử hình hàng năm còn xa mới đáp ứng đủ nội tạng cho số ca cấy ghép đã tiến hành. Do vậy, 2 nguồn này không phải là nguồn nội tạng chủ yếu cho các ca ghép tạng ở Trung Quốc.

Đến nay, sự chênh lệch giữa số người hiến tạng và số ca cấy ghép vẫn là một vấn đề. Năm 2015, mặc dù chính phủ tuyên bố không còn lấy nội tạng từ tử tù nữa mà bắt đầu dựa hoàn toàn vào nguồn hiến tạng tự nguyện, nhưng số người hiến tạng vẫn không thể đáp ứng được số ca cấy ghép đã thực hiện. Thời gian chờ nội tạng vẫn chỉ là vài ngày cho đến vài tuần, và ngành du lịch ghép tạng ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn trên quy mô lớn mặc dù đã có những tuyên bố chính thức rằng hoạt động này đã ngừng lại.

Những trường hợp mất tích

Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào ngày 20/7/1999, các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính quyền trung ương chấm dứt cuộc đàn áp. Khi cuộc đàn áp lên đến đỉnh điểm vào năm 2000 và 2001, Bộ Công an Bắc Kinh ước tính đã có hơn 1 triệu học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện tại Bắc Kinh. Hồ sơ nội bộ của cảnh sát chỉ ra rằng, tính đến tháng 4/2001, đã có hơn 830.000 học viên bị bắt giữ vì đi thỉnh nguyện tại Bắc Kinh.

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải ngày 25/04/1999. (Ảnh qua ĐKN)

Những trường hợp không xác định danh tính

Số liệu trên không bao gồm những học viên từ chối tiết lộ danh tính cho cảnh sát. Rất nhiều học viên đã làm vậy để bảo vệ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè, để họ khỏi bị trả thù. Theo chính sách trừng phạt tập thể của ĐCSTQ, người nhà học viên Pháp Luân Công có thể bị đuổi việc, đồng nghiệp và cấp trên của họ có thể bị cắt thưởng, ngay cả quan chức địa phương nơi họ ở cũng có thể bị cách chức.

Chính sách này đã phát huy tác dụng trong việc khiến người thân quen của học viên Pháp Luân Công quay lưng lại với họ. Để bảo vệ chức vị, các quan chức địa phương, từng rất thụ động, nay lại nỗ lực ngăn các học viên đến Bắc Kinh bằng mọi giá. Họ còn phái cảnh sát địa phương tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia tại Bắc Kinh để bắt giữ từng nhóm từng nhóm học viên rồi trả họ về địa phương.

Do đó, bắt đầu từ năm 2000, nhiều học viên bị bắt giữ đã từ chối tiết lộ danh tính và địa chỉ cho cảnh sát. Có thể thấy hành động này rất phổ biến trong các báo cáo của Minh Huệ thời kỳ này, đó là để chống bị trừng phạt tập thể. Một học viên nhớ lại những gì đã nói với các học viên bị giam giữ khác:


“Nếu không nói cho họ tên và địa chỉ của chúng ta thì cho dù có bị bức hại tàn bạo hơn, chúng ta cũng sẽ được thả ra sau một tuần bị giam. Nhưng nếu nói ra tên và địa chỉ, chúng ta sẽ bị tống vào trại giam hoặc trại lao động cưỡng bức ở quê nhà, và gia đình cũng như nơi làm việc của chúng ta sẽ bị liên lụy.”

Bị đưa đi lưu vong


Tháng 8/2000, Minh Huệ đưa tin, rất nhiều học viên bị bắt giữ ở Bắc Kinh đã từ chối tiết lộ danh tính đã bị đưa vào các trại tạm giam ở Thiên Tân vào ngày 19/7/2000. Những chiếc xe trắng chở tù nhân nối đuôi nhau thành hàng dài trên đường cao tốc, người ta nhìn mà “không thấy được điểm cuối của nó”.

Hình ảnh đàn áp người tập Pháp Luân Công tại nhiều nơi. (Ảnh qua Fiveprime)


Một học viên bị bắt giữ sau khi thỉnh nguyện trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 29/12/2000 nhớ lại: “Những người từ chối tiết lộ danh tính bị đưa đi… có người bị đánh và chụp ảnh. Đêm ngày 31/12, cảnh sát gọi số của chúng tôi và tống chúng tôi vào xe cảnh sát, mỗi xe chở 12-13 người… Đoàn xe dừng ở Cẩm Châu. Tại đây, chúng tôi bị tống lên xe buýt đưa đến các trại tạm giam.


Xe tôi chở 50 người, đưa đến Trại tạm giam An Sơn Số 1… Cảnh sát lừa các học viên bằng cách cho họ gọi điện về cho gia đình, hứa sẽ bảo vệ quyền riêng tư của họ, nhưng thực ra là để gọi cảnh sát địa phương đến. Ngày 11/1/2001, khi phó trưởng đồn của Đồn Cảnh sát Đông Hoa Thị thuộc quận Sùng Văn, Bắc Kinh đến đưa người đi, ông ta nhận diện mọi người qua ảnh và đưa chúng tôi về [Bắc Kinh].


Khi chúng tôi rời khỏi Trại tạm giam An Sơn, một cảnh sát ở đó nói: ’Mau quay về đi. Chúng tôi không được thả người không khai báo danh tính hoặc không được [cảnh sát địa phương] đòi. Cấp trên có lệnh rồi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu có người chết đâu, ai biết được sẽ thế nào.’”


Một học viên khác chứng kiến những học viên không tiết lộ danh tính ở các trại giam Bắc Kinh bị đưa đến vùng Đông Bắc Trung Quốc vào năm 2001 cho biết: “Sau ngày 20/12/2000, số học viên bị đưa đến các trại giam tăng đột biến, đến cả hàng chục, hơn trăm người mỗi ngày… Học viên nào cũng bị đánh số… Mới mấy ngày mà các xà lim đã kín người.


Ngày nào lính canh cũng thẩm vấn và hỏi danh tính của họ. Họ dùng dùi cui điện và các loại hình tra tấn khác đối với các học viên, còn xúi giục tù nhân đánh đập các học viên nữa. Đa số các học viên vẫn từ chối tiết lộ danh tính. Cuối cùng, lính canh không thẩm vấn nữa, mà nói: ‘Được rồi, nếu các người không chịu nói, tôi sẽ đưa các người tới nơi mà các người sẽ phải nói.’”

Đầu năm 2001, mỗi sáng sớm lại có từng nhóm từng nhóm học viên bị đưa đi bằng xe buýt lớn. Một cô gái 18 tuổi tỉnh Sơn Đông, cùng xà lim với tôi. Số của cô là K28. Một buổi sáng, số của cô bị gọi nhầm ra. Cô đã lên xe buýt nhưng lại quay về. Cô nói rằng toàn bộ các học viên bị đưa đến vùng Đông Bắc Trung Quốc. Sau đó, lính canh còn công khai bảo chúng tôi rằng họ đang đưa các học viên tới vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Sự tham gia của quân đội

Vì hệ thống tư pháp không được giam giữ tù nhân không có danh tính hay địa chỉ trong thời gian dài, nhiều học viên không tiết lộ danh tính đã bị đưa đến các cơ sở giam giữ của quân đội, kể cả trại tập trung mà bác sĩ quân y trong phần đầu của chương này đã nhắc đến.


Trung Quốc có hệ thống quân y rộng khắp với các bệnh viện đa khoa của Quân đội Giải phóng Nhân dân và các cơ sở nhánh của nó, cũng như các bệnh viện liên kết với các trường đại học quân y. Tạp chí Life Week đưa tin, “98% số nội tạng được cung cấp là do các hệ thống nằm ngoài Bộ Y tế kiểm soát”. Các bệnh viện quân y và bệnh viện cảnh sát vũ trang kiểm soát phần lớn các nguồn tạng, đa số các bệnh viện dân sự thực hiện nhiều ca ghép tạng có quan hệ mật thiết với các bệnh viện quân y. Nhiều bác sĩ phẫu thuật của những bệnh viện này cũng đang công tác ở các bệnh viện quân y.

Trong cuốn Thu hoạch đẫm máu, ông David Matas và ông David Kilgour có ghi lại các cuộc phỏng vấn một số bệnh nhân từng sang Trung Quốc ghép tạng. Các bác sĩ phẫu thuật của những bệnh nhân này đều có liên quan đến quân đội. Một trong những bệnh nhân được ghép tạng ở Bệnh viện Nhân dân Số 1 Thượng Hải. Bác sĩ phẫu thuật của ông là Tiến sĩ Đàm Kiến Minh, trưởng nhóm bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Phúc Châu của Quân khu Nam Kinh (trước đây gọi là Bệnh viện 93). Đàm cũng làm phẫu thuật tại Bệnh viện 85 của Quân đội Giải phóng Nhân dân thuộc Quân khu Nam Kinh ở Thượng Hải.

Bìa cuốn sách ‘Thu hoạch đẫm máu’ (Ảnh: Facebook)

Một bệnh nhân khác ban đầu đến Bệnh viện Hoa Sơn ở Thượng Hải (bệnh viện trực thuộc Đại học Phục Đán) để ghép gan. Ông đã được bác sĩ Tiền Kiến Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Gan tại Bệnh viện Hoa Sơn chăm sóc. Sau vài ngày mà vẫn chưa tìm được gan phù hợp, bác sĩ Tiền đề nghị chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Trường Chinh tại Thượng Hải, trực thuộc Đại học Quân Y Số 2, nói rằng ở đó dễ kiếm nội tạng phù hợp hơn. Ngay hôm chuyển sang Bệnh viện Trường Chinh, bệnh nhân này đã tìm được gan phù hợp.

Còn nhiều ví dụ khác về mối quan hệ mật thiết giữa các cơ sở cấy ghép dân sự và quân đội được đề cập trong Báo cáo nhân quyền 2016 của Minh Huệ: ‘Các học viên Pháp Luân Công bị mổ cướp nội tạng một cách có hệ thống ở Trung Quốc.’

Cưỡng chế xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là một bước cần thiết để tìm ra người hiến tạng tiềm năng phù hợp cho các ca cấy ghép. Các học viên Pháp Luân Công đã bị cưỡng chế xét nghiệm máu và thăm khám nội tạng từ trước năm 2006 đến nay. Các xét nghiệm này chỉ áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công, chứ không áp dụng cho các tù nhân khác.

Cảnh tái diễn hoạt động mua bán nội tạng người bất hợp pháp (Nguồn ảnh: Jim Watson / AFP / Getty Images)

Cưỡng chế xét nghiệm máu các học viên Pháp Luân Công xảy ra thường xuyên ở các trại lao động cưỡng bức, trại tạm giam, nhà tù và các trung tâm tẩy não. Những bằng chứng tương tự được đưa ra trong các cuộc phỏng vấn của ông David Matas và David Kilgour trong cuốn sách Thu hoạch đẫm máu. Bởi vì các học viên thường bị tra tấn ở những cơ sở này, không được điều trị y tế nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng sức khỏe xấu, cũng không được nhận kết quả khám bệnh nên các nhà điều tra đã đi đến kết luận rằng: những xét nghiệm này không được thực hiện vì sức khỏe của các học viên; mà được sử dụng để tìm ra những học viên có nội tạng phù hợp.

Các nhà chức trách còn cưỡng chế lấy mẫu máu bên ngoài các cơ sở tạm giam của nhà nước bằng cách bắt các học viên rồi lấy mẫu máu, hoặc trực tiếp lấy mẫu máu tại nhà hay nơi làm việc của họ. Cảnh sát ở một số khu vực nói việc lấy mẫu máu là để xây dựng cơ sở dữ liệu DNA cho các học viên Pháp Luân Công.

Lời kể của nhân chứng

Ngoài lời chứng của Peter, Annie, và bác sĩ quân y Trung Quốc ở đầu chương này ra, lời thú nhận của những cá nhân tham gia vào hệ thống cấy ghép tạng phi pháp ở các cương vị khác nhau đã hé lộ nạn giết người để lấy tạng của chính quyền Trung Quốc.

Ngày 17/11/2006, tờ báo lớn nhất của Israel đưa tin về vụ bắt giữ 4 người đàn ông bị cáo buộc là đã ăn cắp hàng triệu đô la mà bệnh nhân đã trả cho các ca cấy ghép tạng. Ông Yaron Izhak Yodukin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Medikt và đồng bọn bị cáo buộc là không khai báo thu nhập do làm trung gian dàn xếp các ca ghép tạng cho người Israel ở Trung Quốc và người Philippines. Kẻ tình nghi chính đã thú nhận với một tờ báo Israel rằng nội tạng được lấy từ tử tù Trung Quốc và các tù nhân lương tâm, trong đó có học viên Pháp Luân Công.

Năm 2009, một nhóm tình nguyện viên hoạt động nhằm chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã nhận được một báo cáo từ một cảnh sát từng chứng kiến các bác sĩ mổ lấy nội tạng của một nữ học viên Pháp Luân Công khi cô vẫn đang sống. Sự việc này xảy ra tại phòng mổ trên tầng 15 của Bệnh viện Đa khoa Quân khu Thẩm Dương vào ngày 9/4/2002. Nạn nhân khoảng 30 tuổi và là giáo viên trung học. Cô ấy chết trong khi nhận biết rõ quá trình nội tạng của mình bị lấy ra khỏi cơ thể. Người cảnh sát này còn thấy nạn nhân này nhiều lần bị đánh đập và bị cưỡng hiếp 1 tháng trước khi bị thu hoạch nội tạng.

Điều được thừa nhận trong các cuộc điều tra qua điện thoại

Các nhà điều tra quốc tế đã gọi điện đến các bệnh viện Trung Quốc, giả làm người thay mặt bệnh nhân để tìm hiểu các ca ghép tạng có dễ thực hiện hay không. Nhân viên y tế và những người khác tham gia vào các ca cấy ghép bất hợp pháp này đã thừa nhận trong các cuộc điện thoại rằng nội tạng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công.

Anh Vương Bân, một người tập Pháp Luân Công bị tra tấn và mổ lấy nội tạng vào ngày 24/9/2000. (Ảnh: Flabber)

Dưới đây là vài ví dụ; còn nhiều ví dụ khác nữa đã được Tổ chức Quốc tế về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố trong những năm qua.


Ông Lô Quốc Bình, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Dân tộc Thành phố Nam Ninh thuộc Khu tự trị Quảng Tây, đã vài lần xác nhận trong cuộc điện thoại rằng các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng. Ông ta nói: “Một số là học viên Pháp Luân Công. Một số là người nhà bệnh nhân.”


Nhà điều tra: Vậy bạn ông bảo các ca phẫu thuật [ghép tạng] mà họ thực hiện đều [là nội tạng lấy từ] học viên Pháp Luân Công, phải vậy không?


Bác sỹ Lô: Một số là học viên Pháp Luân Công. Một số là người nhà bệnh nhân.


Nhà điều tra: Ồ. Vậy nếu tôi muốn tìm loại nội tạng này cho con tôi, học viên Pháp Luân Công ấy, ông có nghĩ là ông ta có thể tìm cho tôi được không?


Bác sỹ Lô: Ông ấy nhất định sẽ tìm được cho ông.


Nhà điều tra: Trước kia [trước khi lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công] thì các ông dùng tạng ở đâu, từ tù nhân ở trại giam hay nhà tù?


Bác sỹ Lô: Từ nhà tù.


Nhà điều tra: Từ nhà tù à? Lấy từ học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh chứ…?


Bác sỹ Lô: Phải rồi. Chúng tôi có thể chọn ra những người khỏe mạnh vì chúng tôi phải đảm bảo chất lượng trong các ca mổ của chúng tôi chứ.

Các nhà điều tra của Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã liên lạc với người môi giới của Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Số 307 ở Bắc Kinh với danh nghĩa là giúp người thân và bạn bè tìm thận tương thích để cấy ghép. Cuộc trao đổi diễn ra trong vài tuần, tổng thời gian trao đổi lên đến mấy chục phút. Dưới đây, xin trích dẫn nội dung trong các cuộc trao đổi:


Nhà điều tra: Vậy ông cứ tiến hành đi và giúp tôi kiểm tra xem, liệu…


Đại diện Bệnh viện 307: Tôi đã nói với ông trước rồi, phải không? Tôi đã bảo ông rằng chuyện này là có thật, chúng tôi đã tiến hành 2 ca rồi. Ông biết đấy, chúng tôi đã tiến hành 2 ca rồi.


Nhà điều tra: Ý ông là 2 ca mổ lấy tạng từ học viên Pháp Luân Công? Thế trước đây ông tìm nguồn thận ở đâu?


Đại diện Bệnh viện 307: Từ quận Tây Thành [ở Bắc Kinh]…


Nhà điều tra: Được rồi, ngoài ra, làm sao ông có thể bảo đảm rằng anh ta (nguồn cung) là học viên Pháp Luân Công, ông đã tìm hiểu chắc chắn chưa?


Đại diện Bệnh viện 307: Làm sao để xác định đó là học viên Pháp Luân Công, à, đến lúc đó – đến lúc đó, bên tôi, sếp tôi sẽ cử người cho ông xem thông tin, ông biết đấy, ông ấy sẽ cho ông xem thông tin thì ông có thể chắc chắn.


Nhà điều tra: Ồ, vậy tốt rồi.

Ngày 28/4, một phóng viên của Đài Phát thanh Hy vọng đã liên hệ với ông Lý Hoành Huy, Trưởng khoa Ghép Thận, Bệnh viện Vũ Tuyền, còn được gọi là Bệnh viện Đại học Thanh Hoa Số 2. Ông Lý đã thừa nhận nội tạng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công. Sau đây là một đoạn trích từ cuộc hội thoại này:


Lý Hoành Huy: Mấy năm qua, nội tạng được hiến đều là từ các học viên Pháp Luân Công.


Nhà điều tra: Ý ông là mấy năm trước dễ kiếm kiểu người hiến tạng này sao?


Lý Hoành Huy: Đúng vậy.


Nhà điều tra: Ông có kiếm được người hiến tạng trẻ khỏe như người tập Pháp Luân Công không?


Ông Lý Hoành Huy: Có thể cân nhắc yêu cầu này. Đến lúc thì tôi sẽ cho ông biết.


(Còn tiếp)


Theo Minh Huệ Net

Chia sẻ Facebook