Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên như thế nào? (P4)

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 00:23:26

Tại thành Bắc Kinh, quân Thanh xử tử toàn bộ hoàng tộc Đại Minh. 19/10/1644, Đa Nhĩ Cổn đón Thuận Trị hoàng đế vào thành Bắc Kinh. Dưới sự chỉ huy của Đa Nhĩ Cổn, quân Minh lưu vong dần bị đẩy sâu hơn về phía tây nam. Nhà Thanh thống trị Trung Nguyên từ đấy.


Tiến đến tận thành Bắc Kinh rồi mà không hạ được đòn chí mạng, Hoàng Thái Cực nhận ra Viên Sùng Hoán là người tài trí lại tận trung với triều đình nhà Minh, muốn vào được Trung Nguyên thì đầu tiên cần phải loại bỏ vị tướng này. Cái chết của Viên Sùng Hoán chính là điểm mấu chốt khiến cho sau này nhà Thanh chiếm được Trung Hoa.

Tiếp theo phần 3

Loại bỏ Viên Sùng Hoán

Nhận thấy trong triều Minh nhiều kẻ ganh ghét với Viên Sùng Hoán vì ông lập được nhiều công lao, Hoàng Thái Cực quyết định dùng kế ly gián nhằm loại bỏ Viên Sùng Hoán. Hoàng Thái Cực để cho các tù binh của nhà Minh “nghe ngóng” được rằng giữa Hoàng Thái Cực và Viên Sùng Hoán có mật ước riêng. Sau đó ông ta vờ sơ sảy để các tù binh này trốn thoát trở về báo tin.

Hoàng Thái Cực. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong triều đình nhà Minh, nhiều kẻ ganh ghét nhân cơ hội này tâu với Hoàng đế rằng việc quân Kim có thể đến được thành Bắc Kinh là do chính Viên Sùng Hoán dẫn về. Họ còn vu cho Viên Sùng Hoán cố tình ứng cứu chậm trễ, và khi quân Kim rút lui thì lại không truy đuổi.


Hoàng đế Sùng Trinh tin là thật, bèn lệnh bắt Viên Sùng Hoán, luận tội ông. Sau hơn nửa năm bị giam trong ngục, tháng 8/1630, Viên Sùng Hoán bị xử tử vì tội “dối vua phản quốc”, thông đồng với địch. Lịch sử thời “Tống tận” đã lặp lại ở thời “Minh mạt”. Nhạc Phi diệt quân Kim, giành lại giang sơn cho nhà Tống, nhưng hàm oan mà chết. Viên Sùng Hoán hết lòng ngăn quân Kim nhưng lại chuốc lấy ngũ mã phanh thây.

Cái chết của Viên Sùng Hoán khiến binh tướng nhà Minh nơi biên ải chấn động, chán nản và bất mãn. Hoàng Thái Cực đã thực hiện thành công kế hoạch của mình.

Xây dựng lực lượng cho trận đánh quyết định


Năm 1635, Hoàng Thái Cực kéo quân về kinh đô Thạnh Kinh (Thẩm Dương) nhằm xây dựng lực lượng chuẩn bị tiến đánh nhà Minh. Cũng trong năm này Hoàng Thái Cực đổi tên tộc người của mình từ Nữ Chân thành Mãn Châu. Đó là vì người Nữ Chân có niềm tin tín ngưỡng, tên tộc Mãn Châu hàm ý chỉ họ là hậu duệ của Văn Thù Sư Lợi (âm Phạn là Mañjughoṣa), vị Bồ tát của trí huệ. Trong tiếng Hán, từ “Mãn Châu” đồng âm với nghĩa “vùng đất đầy đủ, giàu có”. Hai chữ Mãn Châu (满洲) đều có bộ Thủy khắc được hành hỏa trong chữ Minh “明” của nhà Minh.


Tháng 5/1636 Hoàng Thái Cực đổi tên nước từ “Đại Kim” thành “Đại Thanh” , lý do là bởi nhà Minh (明) được cấu thành từ chữ nhật (日) và chữ nguyệt (月) đều mang hành hỏa. Trong khi đó chữ Thanh (清) được cấu thành từ bộ thủy (水) và chữ Thanh (青) xanh lam cũng là hành thủy. Thủy khắc hỏa, chữ “Thanh” này sẽ khắc được chữ “Minh” , giống như nhà Thanh sẽ thay thế nhà Minh.

Nhà Thanh. (Tranh: Art-of-the-day Info, Public Domain)

Trong năm này Hoàng Thái Cực xưng Hoàng đế của Đại Thanh, đổi tên Kinh đô từ Thạnh Kinh thành Thẩm Dương.

Hoàng Thái Cực cũng có những cải cách trong quân đội. Ngoài Bát Kỳ của người Mãn Châu, ông cũng cho thành lập đội quân riêng gồm người Mông Cổ và đội quân riêng gồm toàn người Hán. Nâng quân số lên 17 vạn.

Trong khi người Mãn Châu tinh nhuệ, thì các chiến binh Mông Cổ có sở trường cơ động thiện chiến, quân người Hán mạnh mẽ về bộ binh và công thành. Trước đây quân nhà Thanh chỉ mạnh về kỵ binh thiện chiến, thì nay nhờ có các đội quân của người Mông Cổ và người Hán nên có thêm điểm mạnh đánh bộ và công thành, chiếm đất, giữ dân và chiêu hàng.

Trận chiến Liêu Đông

Năm 1639, nhà Minh cử vị tướng có công trấn áp cuộc khởi nghĩa Lý Tự Thành là Hồng Thừa Trù làm Tổng đốc Kế Liêu (Kế Châu và Liêu Đông), tăng cường tuyến phòng thủ Sơn Hải quan.

Tháng 7/1641, Hoàng Thái Cực lại dẫn quân bao vây Cẩm Châu. Hồng Thừa Trù cùng thuộc tướng là Ngô Tam Quế mang theo 13 vạn quân đến Ninh Viễn, rồi đến chi viện cho Cẩm Châu.

Hồng Thừa Trù là vị tướng rất cẩn trọng, ông chủ trương tiến chậm nhưng chắc chắn để giành thắng lợi. Tuy nhiên Binh bộ Thượng thư nhà Minh lại cho rằng quân đông mà tiến quân chậm như thế sẽ rất hao phí lương thực nên lệnh cho giám quân đến đốc thúc phải tiến quân thật nhanh, điều này khiến Hồng Thừa Trù không khiển quân được như ý, buộc phải đẩy nhanh tốc độ tiến quân.

Để tiến quân nhanh theo yêu cầu của giám quân, Hồng Thừa Trù đành cho để lại lương thực ở Bút Giá Cương, dẫn 6 vạn quân tiến nhanh tách khỏi đội hình, số còn lại di chuyển chậm nên bám theo sau. Đến cách Cẩm Châu 7 dặm là vùng Tùng Sơn và Hạnh Sơn thì ông cho cho hạ trại chia quân đóng giữ nơi đây.

Hồng Thừa Trù. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nghe tin viện binh quân Minh đang đến, tháng 8/1641, Hoàng Thái Cực dẫn đại quân từ Thẩm Dương đến đóng ở giữa Tùng Sơn và Hạnh Sơn nhằm chia cắt quân Minh tại khu vực này, đồng thời cắt đứt đường rút của quân Minh, lại cho quân đoạt hết lương thực tại núi Tháp Sơn.

Hồng Thừa Trù bị vây khốn ở Tùng Sơn, lương thực dần cạn. Sau nửa năm Hồng Thừa Trù bị bộ hạ bán đứng, mở cửa thành cho quân Thanh tiến vào, ông bị bắt sống. Mất chủ tướng, nhà Minh liền cử Ngô Tam Quế trấn thủ Sơn Hải Quan.

Sau thắng lợi này quân nhà Thanh mặc sức tung hoàng ở Liêu Đồng, chỉ duy nhất phòng tuyến Sơn Hải Quan vẫn chưa qua được.

Ngô Tam Quế mở quan, vó ngựa Mãn Châu thẳng tiến

Lúc này ở phía nam quân nổi loạn của Lý Tự Thành phát triển mạnh mẽ, đánh tan các lực lượng quân Minh. Hoàng Thái Cực suy tính Hoàng đế nhà Minh sẽ phải điều quân từ Sơn Hải Quan về Bắc Kinh ứng cứu, khi đó quân nhà Thanh sẽ tấn công Sơn Hải Quan. Tuy nhiên Hoàng Thái Cực lại qua đời trước khi chuyện đó xảy ra, thọ 52 tuổi.

Hoàng Thái Cực mất bất ngờ, không kịp chỉ định người kế vị, nên em trai là Đa Nhĩ Cổn đang giữ chức thống lĩnh Bát Kỳ nắm quyền nhiếp chính.

Đa Nhĩ Cổn. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Tháng 3/1644, Lý Tự Thành dẫn quân tiến đến thành Bắc Kinh, vua Sùng Trinh cấp báo Ngô Tam Quế dẫn quân về ứng cứu.

Thế nhưng vị tướng trung quân như Viên Sùng Hoán, dù chưa có lệnh về kinh mà vẫn ngày đêm chạy về ứng cứu, còn bị hàm oan; thì nay ai còn được như vậy nữa? 10 ngày sau, Ngô Tam Quế mới xuất quân. Từ Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế dẫn quân ứng cứu Kinh Thành rất ung dung, không có gì vội vàng cả.

Quân Lý Tự Thành chiếm được kinh thành, vua Sùng Trinh chạy đến núi Cảnh Sơn rồi treo cổ trên cây tự tử, nhà Minh chấm dứt từ đây. Lý Tự Thành sau khi chiếm được Bắc Kinh thì tự xưng là Đại Thuận Hoàng Đế.

Ngô Tam Quế trên đường hay tin vua Sùng Trinh đã thắt cổ chết, nhà Minh mất, chủ cũng không còn, nên phân vân không biết cần làm gì. Đúng lúc này người của Lý Tự Thành đến dâng của cải khuyên ông nên đi theo Lý Tự Thành. Tuy nhiên ngay sau đó Ngô Tam Quế lại được tin báo cho biết ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị quân của Lý Tự Thành cướp mất, cha cũng bị chết. Ông ta tức khí quay trở lại, mở toang Sơn Hải Quan cho quân nhà Thanh tiến vào, hợp quân với Đa Nhĩ Cổn.

Tượng Trần Viên Viên tại Thái Hòa Cung Kim điện, Côn Minh. (Ảnh: Gisling, Wikipedia, CC BY 3.0)

Làm chủ Trung Nguyên

Đa Nhĩ Cổn tất nhiên không bỏ qua cơ hội này, vó ngựa người Mãn Châu vượt Sơn Hải Quan tiến như vũ bão về kinh thành. Quân của Ngô Tam Quế tiến sát theo, quyết về báo thù. Hai quân liên hợp thế mạnh như chẻ tre, quân của Lý Tự Thành không sao kháng cự được, vội cướp hết của cải rồi chạy về phía tây. Lý Tự Thành bị giết chết vào khoảng 4/1645.

Từ những bộ lạc Nữ Chân nhỏ bé, họ đã kết hợp làm một và thể hiện được sức mạnh của mình, họ đã xây dựng được một nền văn minh mới, tiến chiếm Trung Nguyên, đánh bại nhà Minh, làm chủ Trung Hoa.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook