Toàn cầu hơn 800 triệu người đói, LHQ cảnh báo thảm họa sắp xảy ra
Cơ quan LHQ cho biết, nạn đói trên thế giới đã tăng trong 2 năm liên tiếp. Chiến tranh Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế đối với ngũ cốc, hạt cải dầu và phân bón. Năm nay có thể chứng kiến những cuộc di cư ồ ạt với quy mô “chưa từng có”.
Hôm thứ Tư (6/7), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với những tổ chức khác, cho biết trong ấn bản năm 2022 về Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên Thế giới, rằng năm 2021, có 828 triệu người đói, tương đương 10% dân số thế giới.
Theo báo cáo ( PDF ), số người đói đã tăng khoảng 46 triệu người kể từ năm 2020 và 150 triệu người kể từ khi bùng phát COVID-19.
Giám đốc điều hành WFP – David Beasley, cho biết trong một tuyên bố có khả năng những con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Ông nói thêm rằng giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao do chiến tranh Nga-Ukraine có thể khiến các nước lâm vào tình cảnh khó khăn. “Kết quả sẽ là sự bất ổn toàn cầu, nạn đói và sự di cư ồ ạt chưa từng có”, “và chúng ta phải hành động ngay hôm nay để ngăn chặn thảm họa đang rình rập này.”
Nga và Ukraine lần lượt là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba và thứ tư trên thế giới, trong khi Nga cũng là nhà xuất khẩu nhiên liệu và phân bón quan trọng.
Chiến tranh đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của họ, đẩy giá lương thực thế giới lên mức kỷ lục. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển, nơi mà sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 đã khiến giá lương thực tăng cao.
Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo: An ninh lương thực thế giới và tình trạng suy dinh dưỡng có khả năng gia tăng hơn nữa khi xung đột, thời tiết khắc nghiệt, các cú sốc kinh tế và các hiện tượng khác gia tăng.
Báo cáo ước tính trên toàn cầu vào năm 2020, 22% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi và 6,7% (45 triệu) trẻ em bị gầy còm, một dạng suy dinh dưỡng nguy hiểm làm tăng nguy cơ tử vong lên 12 lần.
Cơ quan Liên Hợp Quốc đã kêu gọi đại tu các chính sách nông nghiệp. Báo cáo cho biết rằng từ năm 2013 đến năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu đã nhận được gần 630 tỷ đô la hỗ trợ hàng năm. Sự hỗ trợ này không chỉ làm méo mó thị trường, mà còn không mang lại lợi ích cho hầu hết nông dân và thậm chí gây hại cho môi trường, không sản xuất thực phẩm dinh dưỡng thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh.
Cơ quan LHQ cho biết: “Trợ cấp thường nhắm vào việc sản xuất lương thực chính, các sản phẩm từ sữa và các loại thực phẩm khác có nguồn gốc động vật”, “gạo, đường và các loại thịt khác nhau là những thực phẩm thúc đẩy nhiều nhất trên toàn cầu, trong khi trái cây và rau quả có tương đối ít hỗ trợ, đặc biệt là ở một số quốc gia có thu nhập thấp.”
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “11 triệu người chết hàng năm do chế độ ăn uống không lành mạnh”. “Giá thực phẩm tăng có nghĩa là điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.”
Ông nói thêm: “WHO hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực cải thiện hệ thống thực phẩm bằng cách đánh thuế thực phẩm không lành mạnh, trợ cấp cho các lựa chọn lành mạnh, bảo vệ trẻ em khỏi tiếp thị có hại và đảm bảo ghi nhãn dinh dưỡng rõ ràng.”
Tử Vi (Theo The Epoch Times )
Từ Khóa :