Toàn cảnh trận ngập lụt ở Đà Nẵng: Nhà cửa sụp nát, người trôi dạt
Chỉ trong vòng một tháng bà con miền Trung phải đối mặt với hàng loạt trận bão lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề, nhiều tài sản bị cuốn trôi khiến họ trở tay không kịp.
Do ảnh hưởng của bão số 5 gây mưa lớn những ngày vừa qua khiến nhiều địa phương ở miền Trung đã bị ngập úng. Thậm chí có những nơi nước ngập sâu hàng mét, nước chảy xiết cuốn trôi nhiều xe máy, ô tô và tài sản khác. Nhất là Đà Nẵng trong tối qua (ngày 14/10) đồng loạt bà con đã phải lên mạng cầu cứu lực lượng chức năng hỗ trợ. Nhiều gia đình nước ngập sâu tới tận mái nhà, gia đình có người già và trẻ nhỏ không thể tự thoát ra được.
Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, các tỉnh miền Trung liên tiếp phải đối mặt với 2 cơn bão. Hết bão lại đến lũ quét, sạt lở đất. Hậu quả của cơn bão này chưa được khắc phục xong thì cơn bão sau đã ập đến. Chỉ tính riêng cơn bão số 4 (bão Noru) đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con miền Trung. Thông tin từ báo Tiền Phong, có 3 người không qua khỏi, 52 người bị thương, 110 căn nhà bị sụp đến 70%, gần 3.000 nhà dân bị hư hại. Bà con “mất trắng” hàng trăm ha lúa, hoa màu và 2.000 con gia súc, gia cầm. Sau đó, trận lũ quét ở Nghệ An cũng khiến một em bé 4 tháng tuổi bị lũ cuốn trôi khiến ai nấy đều xót xa. Vậy mà chưa đầy 1 tháng bão số 5 lại tiếp tục đổ bộ khiến bà con trở tay không kịp.
Thông tin từ bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng) Nguyễn Hà Bắc chia sẻ với TTXVN cho hay từ chiều 14/10, lực lượng chức năng đã nhận được nhiều tin báo cầu cứu tại các kiệt hẻm trên đường Hoàng Văn Thái, khu Đà Sơn, khu công nghiệp Hòa Khánh… Đây đều là những nơi bị ngập úng sâu, nước chảy xiết.
Tại đường số 4, Khu công nghiệp Hòa Khánh, một nhóm người bị mắc kẹt phải bám vào cột điện để thoát khỏi dòng nước chảy xiết. Lực lượng chức năng đã phải chăng dây lội qua dòng nước xiết để cứu hộ.
Nhiều bà con đang di chuyển trên đường do nước ngập sâu cũng bị hỏng xe, xe không thể nổ máy, phải đứng yên tại chỗ. Để thoát khỏi dòng nước chảy xiết họ thậm chí còn phải trèo lên nóc xe ôtô để gọi cứu hộ. Có những ngôi nhà bị ngập sâu tới tận mái khiến bà con phải bám víu cố trèo lên mái nhà mới có thể thoát thân.
Sau khi được giải cứu thoát khỏi trận lũ lịch sử, chị E.P vẫn còn bàng hoàng về những gì đã xảy ra. Cả hai vợ chồng chị bị nước cuốn trôi dạt tưởng chừng đã không thể sống sót. Đăng tải những hình ảnh hoang tàn còn sót lại trên trang cá nhân, người phụ nữ không khỏi xót xa vì mọi tài sản đều đã mất sạch:
“Thật sự thì em ám ảnh nguyên 1 đêm nay, không dám nghĩ tới chuyện tối qua nữa. Cả đêm nay gia đình em hoảng loạn thất thần, sáng nay em mới lên đây để đăng tải những hình ảnh nhà em sụp nát, trắng tay hết rồi mọi người… Còn lúc gia đình em gặp nạn vợ chồng em trôi dạt cố níu bám mái nhà để leo lên, vì lượng nước vỡ đập rất mạnh và nhanh. Lúc đó cũng may em đeo cái túi có điện thoại, em cố leo lên được trên mái nhà, em đăng cầu cứu để cứu vợ chồng em xuống, vì trên mái nhà không 1 áo mưa lạnh run, tay bấm điện thoại cũng không được.”
Vì nước lên quá nhanh khiến bà con trở tay không kịp. Hầu hết các khu vực trung tâm của TP. Đà Nẵng đều bị ngập sâu, giao thông tê liệt. Hình ảnh những ngôi nhà biến thành sông, ti vi, tủ lạnh, xe máy trôi nổi giữa dòng nước nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Ngay cả những chiếc xe được bà con chủ động đem gửi tới nơi cao hơn cũng cũng chịu cảnh ngập tới yên xe. Lực lượng chức năng phải túc trực cả đêm để giải cứu bà con thoát khỏi các khu vực nước ngập sâu cũng như tơ tán bà con vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thành (trú đường Trưng Nữ Vương, Q.Hải Châu) chia sẻ với Thanh Niên cho hay đây là trận mưa lớn hơn dự báo, khiến gia đình trở tay không kịp:
"Biết trước mưa lớn, gia đình đã đưa ô tô đi gửi ở nơi cao ráo. Tuy nhiên, nước ngập tràn vào khiến hầu hết vật dụng trong nhà đều hư hỏng."
Còn anh Nguyễn Văn Bình (trú Q.Ngũ Hành Sơn) khẳng định chưa bao giờ tuyến đường Lê Văn Hiến lại ngập hơn 50 cm. Thậm chí, nước tràn vào nhà khiến ai nấy phải tất tả dọn đồ đạc chạy lũ.
“Bạn bè tôi ở khắp nơi như Q.Hải Châu, Q.Liên Chiểu hay Q.Cẩm Lệ đều bị nước ngập vào nhà, hàng xóm giúp đỡ nhau thu dọn đồ đạc chạy lũ” , anh Bình chia sẻ với Thanh Niên.
Sáng 15/10, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng cho hay tính đến 7 giờ, đã có 1 người không qua khỏi do bị lũ cuốn tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Khu vực ngập nặng nhất là quận Cẩm Lệ với 6/6 phường ngập sâu từ 0,6 - 1,5m, thậm chí có nơi ngập sâu hơn 2m. Tại huyện Hòa Vang, tất cả các tuyến được đều bị ngập. Đất đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống khiến mặt đường Lê Văn Lương gần như tê liệt, giao thông ùn ứ.
Hiện tại, Quận Liên Chiểu đã chỉ huy động xe đặc chủng và xe múc chuyên dụng để tiếp cận, hỗ trợ các phường ngập sâu. Báo Nhân dân đưa tin hiện Quận Liên Chiểu đã sơ tán khoảng 100 hộ dân đến nơi an toàn. Cẩm Lệ đã sơ tán 345 người tới nơi an toàn, 8 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn trôi đã được cứu hộ kịp thời. Tại huyện Hòa Vang lực lượng chức năng đã sơ tán 382 hộ/1.440 nhân khẩu; đã đưa khoảng 58 người làm rừng xuống nơi an toàn.
Từ sáng sớm, nước trên các tuyến phố đã bắt đầu rút. Lực lượng chức năng cùng bà con đã tất tả dọn dẹp vệ sinh cũng như kiểm tra mức độ thiệt hại tài sản của gia đình. Các cửa hàng sửa xe máy trên toàn thành phố đều đông nghịt người dắt xe đến sửa vì ngập lụt xe không thể nổ máy. Nhiều tuyến đường vẫn ngổn ngang do rác thải, bùn đất đọng lại, gạch đá bong tróc.
Đến nay, huyện Hòa Vang vẫn còn nhiều xã đang ngập như: Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Liên, Hòa Nhơn… Một số khu vực kiệt, hẻm trong phố nước vẫn chưa rút như: Huỳnh Ngọc Huệ, Điện Biên Phủ, Cống Quỳnh… Bên cạnh đó, hầm chui Điện Biên Phủ (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê), hầm chui cầu Trần Thị Lý vẫn đang ngập trong nước. Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả sớm nhất để nhanh chóng ổn định lưu thông.
Tiếp tục cập nhật các tin tức mới nhất tại YAN !
Hiện nay tình hình mưa bão ở miền Trung vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chính vì thế bà con cần chủ động theo dõi dự báo thời tiết, di dời tài sản giá trị đến các khu vực cao, an toàn. Đặc biệt, cần đặc biệt chấp hành hướng dẫn của cơ quan chức năng. Luôn luôn giữ điện thoại trong người để kịp thời gọi cứu hộ. Hy vọng, cơ quan chức năng sẽ sớm khắc phục hậu quả bão lũ để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !