Toàn cảnh huyện Đông Anh chuẩn bị lên quận
TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số huyện thành quận. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung cao độ và ưu tiên đầu tư, quy hoạch để phấn đấu đưa huyện Đông Anh thành quận vào cuối năm 2023.
Đông Anh là một huyện ngoại thành, nằm ở phía Bắc TP Hà Nội. Huyện Đông Anh hiện là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ra thông báo về một số nội dung về việc thực hiện đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Thường trực Thành ủy đã thống nhất về chủ trương về kết quả thực hiện Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Hiện có 3 cây cầu huyết mạch nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với huyện Đông Anh gồm: Cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long (bắc qua sông Hồng) và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống). Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng nối liền hai bờ sông Hồng qua địa phận huyện Đông Anh. Nhờ đó, khoảng cách từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội được rút ngắn từ 15km xuống còn 9km.
Xét về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, Đông Anh cũng nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt); đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp); Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa.
Quận Đông Anh sẽ được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn hiện có. Quận Đông Anh sẽ có 24 phường gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.
Phía Đông của Đông Anh giáp TP Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía Tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.
Đường Võ Nguyên Giáp chạy qua địa phận 4 xã của huyện Đông Anh bao gồm: Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê. Đường có tổng chiều dài 12,1km. Đi từ đầu phía Bắc cầu Nhật Tân và kết thúc tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Dự án nhà văn hóa có họa tiết mô phỏng trống đồng Đông Sơn với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng chuẩn bị được khánh thành trên đường Cao Lỗ, phần nào giúp thay đổi “bộ mặt” của huyện Đông Anh trước thời điểm lên quận.
Thông tin từ Thành ủy Hà Nội, thực hiện Đề án lên quận, đến nay, huyện Đông Anh đã đạt 29/31 tiêu chí. Hai tiêu chí chưa đạt là trường THPT đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị. Đây là hai tiêu chí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hà Nội.
Khi lên quận, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
Đông Anh đã chuẩn bị để là huyện ngoại thành đầu tiên của Hà Nội chính thức lên quận.
Hà Nội hiện có 12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên); 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.
TP Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 có 3 - 5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.
>> Xem thêm: