Toàn bộ Thượng Hải bị phong toả, người dân "bấn loạn" gọi cho đường dây nóng vì đối mặt với "cơn ác mộng" mới
Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe, người dân Thượng Hải còn phải ứng phó với các vấn đề tâm lý.
Kể từ khi bước vào giai đoạn giãn cách xã hội đợt 2, các đường dây nóng chuyên tư vấn sức khỏe tâm lý Thượng Hải đã nhận được ngày càng nhiều cuộc gọi đến, phần lớn trong số đó là người dân bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng bùng phát Covid-19 tại thành phố.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý tại quận Phố Đông, Thượng Hải cho biết điện thoại của họ đổ chuông liên tục không ngừng. Nơi đây được xem là trung tâm tài chính của cả thành phố với hơn 5 đường dây nóng, trong số đó có 3 đường dây hoạt động 24/7 dưới sự giúp đỡ của hơn 100 tình nguyện viên chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng.
Chỉ từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều, tôi đã nhận được 40 cuộc gọi
Thượng Hải hiện đang phải trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi loại virus này được phát hiện. Theo báo cáo thống kê cho thấy, chỉ trong một ngày thứ 6 (1/4), số lượng ca nhiễm mới đã đạt 6.311 ca và con số này lên tới 36.000 ca trong tháng 3 vừa rồi. Mặc dù số lượng ca nhiễm vẫn thấp hơn một số địa điểm khác trên thế giới, nhưng đối với một quốc gia áp dụng chính sách Zero Covid thì đây vẫn là một con số khổng lồ.
Không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho hàng trăm triệu người, Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các cá nhân. Trong khi các quốc gia trên khắp thế giới liên tục báo cáo về sự gia tăng của các căn bệnh tâm thần thì vào tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hỗ trợ tâm lý cho người dân vì tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng tới 25% trong đại dịch.
Theo ông Zhu Wei, người phụ trách tại quận Trường Ninh, kể từ khi lệnh giãn cách chính thức có hiệu lực vào thứ 6 vừa qua, các đường dây nóng về sức khỏe tâm lý 24/7 được quản lý bởi chính phủ đã nhận được hơn 200 cuộc gọi trong tháng 3, mỗi cuộc kéo dài khoảng 26 phút, tăng khoảng 20% so với bình thường.
Bên cạnh rất nhiều cuộc gọi trao đổi về vấn đề giãn cách và thuốc men, có một số cuộc gọi đến vì những vấn đề bên lề nhưng có mối quan hệ mật thiết với dịch bệnh, trong đó có một cặp vợ chồng đã liên hệ để tranh cãi về việc học trực tuyến của con cái
Một sinh viên họ Li cho biết cô ấy đang cảm thấy rất căng thẳng vì đợt bùng phát dịch lần này. Vào những ngày đầu khi virus được phát hiện, cô đã rời quê hương là thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc để đến với Thượng Hải và giờ cô lại bị mắc kẹt tại đây.
Tôi đang bị PTSD (một chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương). Nếu tôi ở quê thì việc giãn cách sẽ không đáng sợ thế này vì ít nhất là tôi có gia đình và đầy đủ thức ăn
Mọi thứ được bán sạch chỉ trong vòng vài giây. Tôi đã phải hồi hộp chờ đợi và rồi nhận lại chỉ có thất vọng, tôi không thể chịu nổi điều đó
Tôi sợ lời nói của mình sẽ bị ghi âm và phải trả tiền cho các dịch vụ tư vấn. Tôi quyết định trốn tránh hiện thực bằng cách xem các chương trình truyền hình
Nếu 2 năm trước tôi sợ hãi loại virus bí ẩn này, thì hiện tại tôi lại lo lắng về những khó khăn mà nó gây ra. Tôi có thể giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với mọi người, nhưng chẳng thể làm gì với dịch bệnh, thật sự bất lực
Với cô Cheng Qing đến từ quận Từ Hối, mối quan tâm chủ yếu xoay quanh vật nuôi. Cô ngày càng lo lắng cho thú cưng của mình sau khi đọc tin tức về tình trạng ngược đãi động vật ở những nơi khác: “ Tôi không biết mình sẽ phản ứng như thế nào nếu có chuyện gì đó xảy ra với các chú mèo của mình ”.
Trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan, nhiều người dân Thượng Hải đã tìm đến các ứng dụng hỗ trợ tâm lý và hướng dẫn thiền định. Một công dân 28 tuổi chia sẻ: “ May mắn thay chúng tôi có nhiều biện pháp hỗ trợ tâm lý, mọi chuyện sẽ chẳng dễ dàng thế này nếu dịch bệnh xảy ra vào 10 năm trước ”.
Theo Carrie Jones, một chuyên gia tư vấn từ Trung tâm Cộng đồng phi lợi nhuận Thượng Hải, số người tìm kiếm sự hỗ trợ đang tăng lên gần đây và từ đó họ sẽ chia sẻ về các buổi tư vấn miễn phí trên phương tiện truyền thông: “ Mọi người sẽ cảm thấy an tâm hơn khi biết rằng chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ cho dù họ có cần hay không ”.
Đợt bùng phát Covid-19 vào tháng 3 khiến các cư dân phải giam mình trong các khu cách ly tập trung. Trong thời gian đó, Jones đã nhận được nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn về các mối quan hệ.
Thời gian cách ly càng dài thì mọi người càng trở nên căng thẳng vì họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và hơn hết là cô đơn. Tổ chức của Jones cũng từng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tương tự vào năm 2020, khi thế giới đang bàng hoàng với loại virus lạ và người nhiễm bị cách ly hoàn toàn khỏi gia đình. Giờ đây, nỗi ám ảnh trong quá khứ lại lặp lại một lần nữa.
Khi nói về các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc, Jones đã nêu lên quan điểm của mình: “ Các biện pháp đối phó tương đối linh hoạt và thay đổi nhanh chóng theo tình hình ”.
Nguồn: Sixth Tone
Theo Sông Thương
Pháp Luật và Bạn đọc