Tòa bác yêu cầu đòi tài sản, vốn góp của ông Liên Khui Thìn
Sáng 24-6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH giữa nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn (70 tuổi) và bị đơn là các ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức.
Đòi tài sản và vốn góp sau 22 năm
Theo nội dung vụ án, năm 1996, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Tây Sơn, với vốn điều lệ là 3 tỉ đồng. Trong đó mỗi bên góp vốn 50%. Công ty Tây Sơn kinh doanh đa ngành nghề gồm: sản xuất sơn mài, thủ công gia dụng, mây tre đan, điện tử điện lạnh, xe máy, phân bón, may mặc, thương mại...
Năm 1997, ông Thìn bị bắt trong vụ án EPCO cùng Tăng Minh Phụng và bị tuyên án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân.
Do cải tạo tốt, góp nhiều công sức trong việc xây dựng môi trường trại giam và tích cực thi hành án dân sự... nên ông Thìn được xét giảm án xuống còn 20 năm. Sau khi thụ án được 12 năm, đến năm 2009 ông được đặc xá.
Sau khi ra tù, ông Thìn cho rằng trong thời gian ông chấp hành án tù, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (chồng và con bà Mai) và ông Đỗ Thế Minh (em bà Mai) mà không hỏi ý kiến của mình. Ông nhiều lần liên hệ bà Mai, ông Đức, ông Đạo để giải quyết nhưng họ không hợp tác.
Tháng 9-2018, ông Thìn khởi kiện ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức ra TAND TP.HCM, yêu cầu tuyên hủy giao dịch gian dối, phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn.
Ngoài ra, ông Thìn cũng đề nghị tòa tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với ông Minh, ông Đức và giữa ông Minh với ông Đạo, hủy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần 1 đến lần 8 của Công ty Tây Sơn.
Năm 2020, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với ông Đức, ông Đạo là vô hiệu. Tòa cũng tuyên hủy các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến 2016.
Theo tòa sơ thẩm, việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong công ty cho ông Minh (người chưa phải là thành viên công ty) trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ, cũng như thay đổi, xóa tên thành viên mà chưa có ý kiến của ông Thìn, không có quyết định của hội đồng thành viên là vi phạm Luật doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của ông Thìn.
Không đồng ý, phía bị đơn và người liên quan kháng cáo toàn bộ bản án.
Sửa án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu của ông Liên Khui Thìn
Sau khi nghị án kéo dài, hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm cho rằng Công ty Tây Sơn thành lập năm 1996, vốn điều lệ 3 tỉ đồng, do ông Liên Khui Thìn góp vốn 50% và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai góp vốn 50%.
Năm 1999, ông Thìn bị TAND TP.HCM xét xử hình sự sơ thẩm. Vào ngày 22-8-2000, TAND TP.HCM có công văn số 023 trả lời Công ty Tây Sơn.
Cụ thể, Công ty Tây Sơn hỏi về cách xử lý với phần hùn của ông Liên Khui Thìn là 1,5 tỉ đồng trong vốn điều lệ của Công ty Tây Sơn thì TAND TP.HCM trả lời theo bản án hình sự sơ thẩm số 1590 ngày 4-8-1999 thì mọi tài sản của ông Liên Khui Thìn (và của nhóm Công ty EPCO) đã được thu hồi và giao cho cơ quan chức năng bảo đảm thi hành án. Trong đó có tài sản của Công ty Tây Sơn mà cụ thể là lô đất 21.119m 2 tại Phú Thọ, huyện Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé do ông Liên Khui Thìn với danh nghĩa là chủ tịch HĐQT Công ty Tây Sơn mua trị giá 1,5 tỉ đồng.
Lô đất này đã được tòa án thu hồi để bảo đảm thi hành án. Như vậy, ông Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty Tây Sơn là 1,5 tỉ đồng nhưng sau đó lại lấy tài sản của chính Công ty Tây Sơn trị giá 1,5 tỉ đồng để thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong Công ty Tây Sơn nữa.
Chính vì lẽ đó, phần quyết định của bản án nói trên không tuyên thu hồi phần vốn góp 1,5 tỉ đồng của ông Liên Khui Thìn trong Công ty Tây Sơn. Các thành viên còn lại có thể đăng ký lại theo Luật doanh nghiệp để ổn định hoạt động.
Căn cứ vào đó, HĐXX phúc thẩm cho rằng việc ông Thìn nói Công ty Tây Sơn đã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh, xóa tên ông Liên Khui Thìn khỏi danh sách thành viên cần hỏi ý kiến của ông Thìn là không có căn cứ.
Từ đó tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Thìn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau phiên tòa, ông Liên Khui Thìn cho biết ông sẽ làm đơn gửi Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và gửi cục điều tra Viện KSND tối cao.
Theo ông Thìn, phần trả lời của TAND TP.HCM không liên quan đến bản án hình sự đã tuyên. Văn bản phúc đáp của tòa án không thể cao hơn luật doanh nghiệp, không thể tước đoạt tư cách thành viên công ty của ông.
Liên quan đến đơn tố cáo của ông Liên Khui Thìn, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Epco (TP.HCM) và một số đơn vị liên quan.