Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ được đổi tên
Với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ đổi tên thành Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội.
Dự án luật gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự án Luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết sửa đổi luật nhằm “nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các tòa án trong khu vực và trên thế giới”.
Theo ông Tiến, dự thảo luật hướng đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.
Cụ thể, ông Tiến cho hay dự thảo luật quy định tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.
“Ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm…” , ông Tiến nói và cho biết thêm việc thay đổi trên “không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử”.
Trước đó, tại phiên chất vấn hồi năm 2020, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình từng khẳng định: “Trong án hành chính cũng như các loại án khác, chúng tôi không có chỉ đạo Hội đồng xét xử với tòa án cấp dưới. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của án cấp dưới, không có sự can thiệp”. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số luật sư thì tình trạng “chỉ đạo án” còn diễn ra rất nhiều trong hệ thống pháp luật Việt Nam. |
Tại văn bản góp ý gửi TAND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng việc đổi tên tòa án không giải quyết tính đảm bảo tính độc lập của tòa án. Cơ quan này cũng lưu ý, thực tiễn có rất nhiều đơn vị có tên tỉnh và tên TP trực thuộc tỉnh trùng nhau, như TAND sơ thẩm Hưng Yên, TAND phúc thẩm Hưng Yên.
“Việc đổi tên mang tính cơ học sẽ dẫn đến sự bất cập trong nhận thức của người dân về phạm vi thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm theo địa hạt tư pháp của tòa án; từ đó dẫn đến khó khăn cho người dân khi có nhu cầu tiếp cận tòa án trong thực tiễn” , Văn phòng Chủ tịch nước nêu ý kiến.
Đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng không đồng ý quy định TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện, TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh.
“Việc đổi tên các tòa án này nhưng thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí; việc độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án”, theo đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu.
Ý kiến khác trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đồng ý quy định TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện, TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, bởi “quy định này không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp; không phát sinh thêm đầu mối, biên chế; không xáo trộn về tổ chức cán bộ”.
Đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ Dự thảo luật sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Theo lãnh đạo TAND Tối cao, trong vụ án hình sự, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Còn vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. “Tòa án thu thập chứng cứ, rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập”, ông Tiến nêu. |
Minh Long
TAND Tối cao đề xuất lập 3 tòa án chuyên biệt; kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán TAND Tối cao đề xuất thành lập ba tòa chuyên biệt là Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản trong cơ cấu tổ chức của TAND Cấp cao.