Tình yêu không cảm hóa nổi súng đạn

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:50:14

Một đêm tháng 8 năm 1966, một cựu binh sĩ thủy quân lục chiến sau khi đâm chết mẹ và vợ mình đã mang theo nhiều khẩu súng trường tới Đại học Texas ở Austin, nơi y từng theo học và bắn chết 14 người vô tội.

Madonna ở God control tin rằng mình hiểu tại sao một vài đứa trẻ lớn lên lại chọn cầm súng


1. 10 năm sau, Elton John kể lại câu chuyện ấy từ góc nhìn kẻ sát nhân trong ca khúc Ticking thuộc album Caribou.


Ca khúc dài hơn 7 phút và khi ấy bị lu mờ bởi bài hát liền kề trước nó, bản hit kinh điển Don’t let the sun go down on me , nhưng theo thời gian, người hâm mộ coi nó là bản "deep cut" (ca khúc ít người biết của nghệ sĩ nổi tiếng) được yêu thích nhất.

Thời của Elton John, những vụ xả súng hàng loạt vẫn tương đối hiếm hoi. Có lẽ vì hiếm hoi nên bài hát thậm chí có một chút cảm thông với kẻ giết người khi mô tả cái chết của y trước nòng súng cảnh sát cũng hết sức bi kịch, cùng với đó giải thích cho hành động cuồng sát đã đến từ một tuổi thơ luôn bị dọa dẫm bởi người mẹ về thiên đường - địa ngục.

Người viết lời cho bản nhạc là Bernie Taupin từng tin rằng sau sự kiện ấy, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Cho đến khi mọi thứ chứng minh là không phải.


2. Vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb chỉ là một trong 214 vụ xả súng từ đầu năm 2022 và trong hơn 2.000 vụ xả súng xảy ra trong 5 năm qua ở nước Mỹ. Câu hỏi tại sao lại liên tục xuất hiện thứ bạo lực vô nghĩa ấy được những nghệ sĩ cố gắng lý giải trong âm nhạc của mình.

Elton John không phải người duy nhất lựa chọn xâm nhập vào tâm trí một kẻ tâm thần điên loạn.


Trong ca khúc Bang Bang , ban nhạc Green Day cũng đặt mình vào vị trí kẻ giết người và nhận ra đó là kẻ ái kỷ đầy bất an, muốn lấp đầy sự bất an ấy bằng việc trở thành diễn viên chính trong màn kịch của mình, trở thành người hùng trong phút chốc, một kẻ tử vì đạo ai cũng biết.


Eminem trong Darkness cũng cho rằng sự tuyệt vọng, lạc lõng và khao khát "không muốn cô độc giữa bóng đêm" là động lực thúc đẩy một kẻ sát nhân lên nòng.

Sâu xa hơn thế, Madonna ở God Control tin rằng mình hiểu tại sao một vài đứa trẻ lớn lên lại chọn cầm súng, tại sao ta đầu hàng trước nạn xả súng. Đó không chỉ là kết quả của hội chứng rối loạn tâm lý cá nhân, mà là sự rối loạn của cả một cấu trúc xã hội.

Bởi những kẻ giết người ấy đã không có một cơ hội nào để sống bình thường hay có một công việc tử tế. Những chiến dịch cải cách chính phủ đưa ra chỉ là trò hề che mắt thiên hạ, và các nhà lãnh đạo phải duy trì trật tự bất công đó để củng cố quyền lực.

Cứ mỗi khi những vụ xả súng diễn ra, người ta lại ra rả về việc hãy yêu nhau đi, hãy tôn thờ tình yêu, nhưng theo Madonna, chúng ta cần nhiều hơn thế và tình yêu là không đủ.


3. "Đó có phải là cái kết của thời đại không? Có phải cái kết của nước Mỹ không?", Lana Del Rey đặt câu hỏi trong album Lust for life , một album ngoài bâng khuâng về nỗi buồn, niềm vui, mùa hè, tuổi trẻ, thì còn băn khoăn về tương lai nước Mỹ.

Trong suốt nhiều năm làm nhạc, Lana Del Rey không ngừng đi tìm nước Mỹ trong mơ, nơi lũ trẻ có thể chơi trong công viên mà không cần lo lắng, nơi cô có thể đi nghe nhạc blues mà không cần cân nhắc, nơi khi ta gặp nhau sẽ không có súng mà chỉ có pháo hoa trên trời.

Giấc mơ của Lana Del Rey thật đẹp, nhưng càng ngày càng xa vời với hiện thực.

Đại tá Steven McCraw, giám đốc Sở An toàn công cộng bang Texas (Mỹ), thừa nhận quyết định không can thiệp vào vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb sớm hơn là sai lầm và không có gì để bào chữa.

Chia sẻ Facebook