Tình trạng phố đi bộ Nguyễn Huệ sau đêm countdown: Rác “trắng đường”

Chia sẻ Facebook
01/01/2023 19:40:38

Sau đêm giao thừa, khi người dân về hết cũng là lúc phố đi bộ Nguyễn Huệ chìm trong rác thải. Dù có thùng rác ở khắp nơi nhưng nhiều cá nhân vẫn vứt đồ bừa bãi.

Giao thừa luôn là thời khắc mà hàng ngàn người dân tại Sài Gòn sẽ tụ họp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, cùng nhau đếm ngược để chào đón năm mới. Tại đây, mọi người sẽ cùng thưởng thức các sân khấu ca nhạc hoành tráng cùng màn bắn pháo hoa rực rỡ mừng Tết dương lịch.

Thế nhưng, từ một thiên đường vui chơi sạch đẹp, sau khi người dân rời đi, phố đi bộ Nguyễn Huệ lại khoác lên mình vẻ ngoài “xấu xí” đến khó tin.

Hàng vạn người dân đã có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón năm mới. (Ảnh: Zing)

Có bạn trẻ thậm chí còn bị ngất xỉu do quá đông. (Ảnh: FB T.Q.Đ)

Tối qua, tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ đã tổ chức chương trình countdown với hàng nghìn người đổ về gây tắc nghẽn giao thông, chật kín cả một khu vực. Chỉ vài chục phút sau khi mọi người tản đi, rác thải đã ngập tràn trên khắp các nẻo đường.

Rác ngập trắng ngay bên dưới sân khấu ca nhạc. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo ghi nhận của Tiền Phong, rác tập kết thành các đống lớn, được vứt hiên ngang trên vỉa hè, đường đi quanh phố đi bộ. Khu vực dài khoảng 750m kéo từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng chỉ toàn rác là rác. Còn ở địa điểm công viên Bạch Đằng cách đó không xa, các loại rác thải như chai nhựa, hộp đựng đồ ăn hay bìa carton dùng để ngồi được bày tràn lan trên đường.

Hộp xốp, cốc nhựa, túi nilon tràn lan tại khu vực ga tàu Bạch Đằng. (Ảnh: VnExpress)

Những bãi rác to mọc lên ngay cột đèn như thể đó là lẽ đương nhiên. (Ảnh: VnExpress)

Lúc này, nhiệm vụ lại đổ dồn lên vai những công nhân vệ sinh môi trường. Họ phải vội vã làm “hết công suất” để trả lại đường phố trong sạch vào sáng hôm sau. Mặc dù xung quanh đều có thùng đựng rác thế nhưng bằng một lý do nào đó, một bộ phận người dân có ý thức kém vẫn bạ đâu vứt đó. Chính vì vậy, dù hàng chục bác lao công cùng nhau dọn dẹp cũng không thấm vào đâu so với “núi rác” trước mặt.

Người vất vả nhất lúc này không ai khác chính là những người công nhân vệ sinh môi trường. (Ảnh: VnExpress)

Chia sẻ với Tiền Phong, một nhân viên vệ sinh cho biết, sau mỗi chương trình như thế này, việc họ thu gom và tổng hợp được hơn 4 tấn rác là chuyện hết sức bình thường. Dù đã không còn là hình ảnh mới nhưng năm nào cũng phải làm việc đến sáng khiến những người công nhân này ngao ngán không thôi.

Một cô lao công đang dùng tay nhặt rác ở các gốc cây. (Ảnh: VnExpress)

Chứng kiến điều này, nhiều CLB, tổ chức đã tình nguyện đồng hành cùng nhân viên vệ sinh môi trường dọn dẹp tất cả số rác thải trên. Điều này khiến tiến độ công việc nhanh hơn, chung tay giúp những người lao công sớm được trở về nhà.

Nhiều tình nguyện viên không ngại khó nán lại để giúp đỡ những người nhân viên vệ sinh môi trường. (Ảnh: Tiền Phong)

Sau khi những hình ảnh của phố đi bộ Nguyễn Huệ được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra không quá bất ngờ. Bởi lẽ cứ sau mỗi lần tổ chức lễ hội, những “bãi rác” như thế này cũng theo đó mà mọc lên. Bên cạnh những bức xúc về hành động vứt rác bừa bãi của người dân, độc giả cũng kêu gọi, mong mọi người có ý thức giữ gìn về sinh chung.


“Quá hổ thẹn. Chơi được sao không dọn được? Bó tay”


“Thấy buồn thật chứ, bao giờ mới thay đổi được ý thức vứt rác bừa bãi, một khu đẹp như vậy mà rác khắp nơi. Không hiểu nổi luôn”


“Luôn vất vả cho các cô chú, anh chị bên môi trường sau mỗi kỳ lễ hội như này. Thật sự ý thức quá kém, chẳng lẽ vứt gọn vào một chỗ khó vậy sao”


“Năm nào cũng như năm nào. Mong mọi người ý thức một chút, cho những người công nhân vệ sinh đỡ vất vả”

Hầu hết người dân đều tỏ ra không quan tâm dù rác ngập ngay dưới chân. (Ảnh: Châu Tuấn)

Bạn nghĩ sao về hình ảnh này? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.


Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!

Câu chuyện vứt rác sau lễ hội là một chủ đề năm nào cũng phải nói tới. Dù nhiều lần được truyền thông báo chí phản ánh, song việc thay đổi ý thức của nhiều người xem ra chẳng phải là điều dễ dàng.

Nhưng các bạn à, thay vì để công nhân môi trường phải cật lực dọn dẹp đến 5 - 6 giờ sáng, mỗi người trong chúng ta chỉ cần bỏ ra khoảng vài giây để cầm đi những thứ mà mình mang đến thì đường phố đã trở nên sạch đẹp hơn rất nhiều rồi. Việt Nam đang ngày càng phát triển, hay luôn mang đến cho thành phố nơi bạn sinh sống một môi trường lành mạnh, tạo một cái nhìn thiện cảm cho những bạn bè quốc tế nhé.

Chia sẻ Facebook