Tình trạng đất nhiễm mặn gia tăng tại Mỹ
Nhiều vùng canh tác ở California, bang nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng đất nhiễm mặn ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân được cho là do tình trạng xâm nhập mặn gây ra bởi hạn hán nghiêm trọng kéo dài và mực nước biển dâng, vốn là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Bobby Costa là một trong những nông dân đang canh tác tại vùng châu thổ thuộc miền bắc bang California, Mỹ. Những năm gần đây, hơn 10 km2 đất canh tác của ông phải đối mặt với tình trạng nước nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng. Ông cho biết: "Tình trạng nước nhiễm mặn đang ngày càng tệ hơn. Mọi năm đã vậy, năm nay lại càng thách thức, nhất là với dưa chuột. Hiện 14 đến 16% dưa chuột bị quắt lại mà phần lớn là do nhiễm mặn".
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài làm mực nước ngọt trong các sông hồ sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục, cùng với đó là mực nước biển dâng cao đang khiến cho nước mặn từ Thái Bình Dương xâm nhập sâu vào hệ thống sông ngòi của bang này.
Ông Jacob Mcquirk - Sở Tài nguyên nước bang California, Mỹ nói: "Nếu không có thêm nguồn nước ngọt thì vùng châu thổ sẽ bị nhiễm mặn. Vì thế con đập cho phép chúng tôi kiểm soát mức độ nhiễm mặn và bảo vệ lợi ích của cư dân đang dựa vào nguồn nước ở vùng châu thổ này".
Đây là lần thứ hai con đập cao 9 mét được xây dựng tại cửa sông San Joaquin, nhưng nó cản trở sự di chuyển trên sông. Vì thế một nhà máy lọc muối trong nước trên đất liền đầu tiên của bang California đã được xây dựng.
Ông John Samuelson - Văn phòng Công trình công cộng TP. Antioch, bang California cho biết: "Chúng tôi xây dựng nhà máy mới này để khi độ mặn tăng lên chúng tôi vẫn có thể tiếp tục lấy nước từ sông để xử lý và cung cấp cho cư dân".
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây vẫn chỉ là những giải pháp ứng phó tạm thời, chưa thể giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng xâm nhập mặn gia tăng.
Vì thế hồi đầu tháng này, Quốc hội bang California đã thông qua gói ngân sách 5 năm trị giá 54 tỷ USD để triển khai các dự án nước sạch, chuyển đổi hệ thống phương tiện công cộng sang xe chạy điện, hướng tới mục tiêu không phát thải thêm khí carbon vào năm 2045. Đây được cho là những giải pháp quyết liệt của chính quyền bang California nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu vốn đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ này.
Tại ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp đang gặp khó do hạn mặn đang diễn ra gay gắt, người dân đã nghĩ ra nhiều cách để thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.