Tình trạng “bất động” của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản
Gần đây, tình hình thanh khoản bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Theo đó, nhiều nhà đầu tư cũng chỉ biết nằm “bất động” chờ chu kỳ mới của bất động sản.
Hết thời dòng tiền ồ ạt vào bất động sản
Anh Nguyễn Công Hưng, nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, hiện tại anh có 4 lô đất nền nằm rải rác ở Hà Nội, Bắc Giang. Từ tháng 5 vừa qua, anh Hưng rao bán 2 mảnh đất ở Bắc Giang để trả ngân hàng nhưng hiện nay vẫn “nằm im bất động”.
“Tôi giữ lại 2 lô ở Hà Nội để chờ thị trường có tín hiệu mới. Thường thì thị trường bất động sản sẽ sôi động đầu tiên rồi mới lan tới các khu vực xung quanh. Nếu cuối năm nay thị trường khởi sắc hơn tôi sẽ bán hết, khi nào lãi suất ngân hàng ổn định, thị trường sôi động mạnh tôi sẽ tiếp tục”, anh Hưng nói.
Tương tự anh Hưng, chị Trần Cúc, nhà đầu tư tại Hà Nội cũng chia sẻ, thời điểm đầu năm 2022, khi thị trường vẫn còn sôi động, anh xuống tiền mua 2 mảnh đất tại Hưng Yên với hy vọng lướt sóng kiếm lời.
Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng bước vào giai đoạn hạ nhiệt, trong khi anh Hoàn vẫn chưa kịp thoát hàng. “Mua 2 mảnh đất này tôi phải vay tới 50%. Ban đầu chỉ ý định lướt sóng nhưng thị trường hạ nhiệt khiến tôi rao bán suốt 3 tháng vẫn chưa thấy người mua, dù bán bằng giá. Có lẽ phải chờ đến khi thị trường có dấu hiệu sôi động trở lại mới dễ thanh khoản”, chị Cúc than thở.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường vừa công bố mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn "sốt đất" nửa cuối năm trước và đầu năm nay.
Cùng với sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá nhà cũng tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Đơn vị này dự báo, nửa cuối năm nay là giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, thị trường sẽ cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh. Giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự đi qua, cùng với đó là chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là bất động sản.
Việc mua nhà để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, cần được cân nhắc. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô.
Nhà đầu tư chờ đợi chu kỳ mới
Trước động thái kiểm soát, thị trường bất động sản gần đây đã sụt giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư thời điểm sốt đất lao vào thị trường đúng đỉnh giá, hiện nay khó ra hàng hơn dự định.
Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư phải chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn vì sử dụng đòn bẩy ngân hàng "quá sức". Thế nhưng, để bán được hàng ở thời điểm này cũng không phải câu chuyện dễ dàng bởi thị trường đang trong trạng thái trầm lắng. Với những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, họ đang có động thái nghe ngóng thêm, chờ thị trường bất động sản bước qua chu kỳ mới và khởi sắc trở lại.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhìn nhận, trong 6 tháng tới, nếu tình trạng siết tín dụng vẫn tiếp diễn, số lượng nhà đầu tư xả hàng sẽ tăng lên, đồng thời mức giảm giá cũng nhiều hơn, càng về cuối năm càng dễ xảy ra tình trạng cắt lỗ. Việc thị trường chuyển từ trạng thái giảm lời sang cắt lỗ sẽ biến chuyển rất nhanh, đẩy bất động sản vào cuộc khủng hoảng mới.
Theo ông Quang, cuối năm, lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá đà buộc phải đua "xả hàng" vì ôm càng lâu càng lún sâu vào bẫy chốt lời không xong nhưng nợ xấu đến gần. Còn phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi bị siết tín dụng, chủ đầu tư buộc phải tính đến kịch bản bán sỉ hoặc chiết khấu mạnh để cải thiện dòng tiền.
Tuy nhiên, ảnh hưởng mang tính cục bộ, chỉ ảnh hưởng đến những nhà đầu tư ngắn hạn, có ý định lướt sóng hoặc sử dụng đòn bẩy ngân hàng lớn. "Đối với một số nhà đầu tư thực thụ, có dòng tiền nhàn rỗi và đầu tư bài bản dài hạn thì sẽ không ảnh hưởng", ông Quang nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia bất động sản, nhiều người đang có xu hướng giữ tiền mặt chờ đợi chu kỳ mới của thị trường bất động sản. Còn những nhà đầu tư lướt sóng kiếm lời cũng bị mắc cạn vì không thể thanh khoản. Trong 2 tháng gần đây đã lộ rõ sự tụt dốc nhưng sẽ không tồi tệ đến mức đóng băng.
Theo Minh Tâm
Nhịp sống kinh tế