Tinh thần khổ học của người xưa qua vài điển cố lịch sử

Chia sẻ Facebook
05/10/2022 19:20:25

Trong sử sách ghi chép lại rất nhiều câu chuyện về các tấm gương chăm chỉ chịu khó học tập. Hầu hết họ đều là những người sinh ra trong gia đình bần cùng, nhờ tinh thần khổ học mà đạt được thành tựu lớn trong cuộc đời. Trong đó phải kể đến một số tấm gương nổi bật dưới đây.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

1. Khuông Hành nhờ ánh sáng nhà hàng xóm để học tập

Khuông Hành là học giả nổi tiếng thời Tây Hán. Ông được sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên ngay từ khi còn nhỏ đã phải đi làm thuê kiếm sống. Ban ngày ông làm người ở cho một gia đình giàu có, đêm đến lại chăm chỉ đọc sách. Bởi vì nhà nghèo không có tiền mua dầu thắp đèn nên ông đã khoét một lỗ nhỏ ở tường nhà mình, nhờ ánh đèn của hàng xóm mà đọc sách.

Về sau, ông đến làm công cho một gia đình giàu có mà không lấy tiền công, chỉ để được đọc sách, vì nhà họ có một thư viện sách lớn. Nhờ chăm chỉ học tập mà học vấn của ông vượt trội. Sau này ông được đề bạt làm quan, từng làm đến chức Thừa tướng. Trong lịch sử, Khuông Hành là điển hình của tấm gương nhà nghèo nhờ thông qua khổ học mà công thành danh toại. Công phu học tập của ông thật đáng để người ta suy ngẫm.

2. Tổ Địch nghe tiếng gà gáy là dậy luyện võ


Tổ Địch thời Đông Tấn từng dẫn quân thu phục vùng đất rộng lớn đã mất ở Trung Nguyên, được phong làm Trấn tây tướng quân. Ông cũng từng lập chí chinh phạt các vùng đất phía Bắc nhưng cuối cùng không thể đạt được ý nguyện.


Thuở nhỏ, Tổ Địch mồ côi cha, tính tình phóng khoáng, ham thích các hoạt động xã hội, đến năm 14 tuổi vẫn không chí thú học hành. Sau khi thành niên, Tổ Địch lại chăm chỉ học tập. Năm 24 tuổi, ông được quận phủ cất nhắc làm Hiếu liêm. Về sau, ông lại cùng Lưu Côn đảm nhận chức Chủ bạ Tư Châu. Hai người rất hợp nhau, ngày càng thân thiết, cùng ăn, cùng ngủ, luyện tập võ nghệ và tranh luận về thời cuộc.

Thời gian hai người sống cùng nhau, cứ đến lúc nghe tiếng gà gáy là Tổ Địch lại gọi Lưu Côn dậy, cùng nhau ra sân múa kiếm, nâng cao võ nghệ. Quả nhiên công phu không phụ lòng người, Tổ Địch cuối cùng trở thành một nhà quân sự tài ba kiệt xuất.

3. Tôn Kính buộc tóc lên xà nhà để học


Trong cuốn “Thái Bình ngự lãm” thời Bắc Tống cũng có ghi lại câu chuyện “Đầu Huyền Lương” (Cột tóc lên xà nhà) về học giả Tôn Kính. Vào thời Đông Hán, có một người trẻ tuổi tên là Tôn Kính, rất chăm chỉ và hiếu học. Hằng ngày, khi đọc sách đến tận nửa đêm canh ba, Tôn Kính rất dễ bị ngủ gật. Vì không muốn ảnh hưởng tới việc học tập, ông đã nghĩ ra một biện pháp để giữ cho mình tỉnh táo.

Tôn Kính đã dùng một sợi dây thừng, một đầu cột vào tóc của mình và đầu kia buộc lên xà nhà. Nếu ngủ gật, đầu ông sẽ gục xuống và sợi dây sẽ kéo tóc của ông lên khiến ông đau đớn. Như thế, ngay lập tức, ông sẽ tỉnh lại và có thể tiếp tục đọc sách. Về sau, ông đã trở thành một vị quan nổi tiếng trong lịch sử.

4. Xa Dận học tập nhờ ánh sáng đom đóm


Xa Dận đời Tấn là người thông minh, hiếu học không biết mệt mỏi nhưng gia cảnh nghèo khó không có đủ tiền mua dầu thắp đèn để học. Nên vào mùa hè, ông bắt mấy chục con đom đóm bỏ vào trong một cái túi nhỏ bằng vải lụa mỏng gọi là “nang huỳnh” (túi đom đóm), nhờ ánh sáng của đom đóm để học thâu đêm. Ông cứ kiên trì học tập như thế không hề ngơi nghỉ.

Nhờ tinh thần khổ học, Xa Dận về sau nổi danh là người thông tuệ, đạt được thành tựu, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng Thư.

5. Tôn Khang học tập nhờ ánh sáng phản chiếu của tuyết

Tôn Khang đời Tấn, nhà nghèo không có dầu thắp đèn. Đêm mùa đông, ông thường ngồi xổm bên tuyết, nhờ ánh sáng phản chiếu của tuyết để đọc sách. Do bởi chuyên tâm dốc chí, nên dù lạnh đến thấu xương ông cũng không hề cảm thấy cái lạnh ấy. Cuối cùng, Tôn Khang trở thành người có học vấn uyên bác. Ông trở thành một Ngự sử đại phu.


Người đời sau đặt nên thành ngữ “Tôn Khang ánh tuyết, Xa Dận tụ huỳnh” ( Tôn Khang đọc sách bằng ánh tuyết, Xa Dận đọc sách bằng đèn đom đóm ) để chỉ những tấm gương hiếu học, vượt qua mọi gian khổ.

6. Tô Tần lấy dùi đâm vào đùi để thức học


Trong cuốn “Chiến Quốc sách” có ghi lại câu chuyện “Trùy thứ cổ” (Dùi đâm đùi) về Tô Tần, chiến lược gia nổi tiếng của thời Chiến Quốc. Lúc còn trẻ tuổi, học vấn của Tô Tần cũng không có gì nổi trội hơn người. Cho nên, khi đi nhiều nơi, ông không được mọi người để ý, chí lớn của ông cũng không được trọng dụng.

Vì vậy, Tô Tần đã quyết tâm chăm chỉ cần cù đọc sách và trau dồi kiến thức cho mình. Hàng ngày, Tô Tần đều học tập rất chăm chỉ cho đến tận đêm khuya. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, ông sẽ dùng một cái dùi đâm một nhát vào đùi. Cơn đau đột ngột sẽ khiến ông thanh tỉnh trở lại và có thể phấn chấn tinh thần để tiếp tục đọc sách.


Những câu chuyện về các nhân vật trong lịch sử này cho chúng ta biết làm việc gì đều cần phải có chí, phải dụng tâm, chăm chỉ. Muốn có được tri thức uyên thâm cũng phải khắc khổ học tập, rèn luyện. Tuy rằng phương thức học tập thời nay đã khác xưa rất nhiều nhưng tinh thần khổ học của họ vẫn đáng giá để chúng ta noi theo.


Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Vương Hy Chi: Thành tựu đến từ sự khổ luyện và tín ngưỡng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook