Tình hình COVID-19: Nhật Bản có thể bùng dịch trở lại
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 31/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.332.826 ca mắc COVID-19 mới và 3.545 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 431.754.882 ca, trong đó có khoảng 5.625.847 người thiệt mạng.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 31/3, thế giới có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 320.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Zero-COVID” .
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 81,7 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong (659.570 ca).
Ngày 31/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 27 triệu trường hợp và 401.466 ca tử vong. Cùng ngày 31/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 85.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).
Úc: Làn sóng dịch bệnh do dòng phụ BA.2 tiếp tục lan rộng
Tại quốc gia này, làn sóng dịch do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron tiếp tục lan rộng trong bối cảnh Úc chuẩn bị bước vào mùa đông. Theo thống kê, số ca tử vong do COVID-19 tại Úc có chiều hướng tăng. Bang đông dân nhất Úc, New South Wales (NSW), ngày 31/3 ghi nhận 22.107 ca mắc mới và 17 ca tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất ghi nhận tại bang này. Theo Giám đốc về dịch tễ học thuộc Đại học Nam Úc, Tiến sĩ Adrian Esterman, làn sóng dịch hiện tại ở NSW dường như đang tiến tới mức đỉnh, với chỉ số lây (Rt) 1,01.
Chuyên gia: Cần thận trọng trước khi tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4
Các chuyên gia y tế khuyến nghị người trên 50 tuổi thận trọng khi tiêm mũi thứ 4. Dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 4, nhưng nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hiện cho rằng một số đối tượng trẻ và khỏe hơn trong nhóm trên không nên vội vã tiêm mũi thứ 4 này. Theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, với người 50 tuổi thì tiêm 3 mũi là tương đối đủ, do đó cần có khoảng thời gian trước khi cân nhắc tiêm mũi 4.
Nhật Bản có thể bùng dịch COVID-19 trở lại
Tại Nhật Bản, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát. Ngày 30/3, nước này ghi nhận thêm 53.753 ca mắc, tăng 12.000 ca so với 1 tuần trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca bệnh mới ở nước này gia tăng. Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca mắc mới tăng 1,5 lần so với 1 tuần trước đó lên 9.520 ca. Số ca nhiễm mới virus corona bình quân trong tuần từ 24-30/3 cũng tăng 21,1% lên 7.622,6 ca/ngày.
Thái Lan: Du khách nhập cảnh từ 1/4 sẽ không cần làm xét nghiệm trước khi khởi hành
Tuy nhiên, những người nhập cảnh theo một trong các chương trình “Xét nghiệm & Lên đường (Test & Go)” , “Hộp cát (Sandbox)” sẽ vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.
Ngoài ra, du khách đến theo chương trình “Hộp cát” phải ở tại khu vực được chỉ định trong 5 ngày. Du khách đến theo chương trình cách ly, kể cả những người bị bắt khi nhập cảnh bất hợp pháp, sẽ bị cách ly trong 5 ngày và làm xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến.
Myanmar sắp mở cửa lại trường học
Tại Myanmar, các trường đại học và cao đẳng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/5 tới sau 2 năm tạm thời đóng cửa do đại dịch COVID-19 hoành hành. Thông báo của Bộ Giáo dục Myanmar cho biết các sinh viên đã trúng tuyển năm học 2019-2020 cũng có thể nhập học các lớp năm thứ nhất. Các khóa học cho sinh viên bán thời gian của các trường đại học nói trên sẽ mở lại trong tháng 9 và 10.
Trong khi đó, tháng 11, các trường đại học sẽ đón sinh viên năm nhất là các em trúng tuyển kỳ thi đầu vào năm học 2021-2022. Thông báo này được đưa ra sau khi Myanmar nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cho phép tụ tập đến 400 người tại các nơi công cộng.
Phan Anh (tổng hợp)
Tình hình COVID-19: Nhiều nước gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch