"Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại"
Kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều khó khăn trong tháng 11, đặc biệt trong vấn đề lao động và việc làm, áp lực lớn về lãi suất và tỷ giá...
"Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại" - điều tưởng như đã qua sau giai đoạn khủng hoảng COVID-19 nhưng lại nổi lên trong tháng 11 vừa qua.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (ngày 1/12), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, 11 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhưng còn đó nhiều khó khăn, áp lực lớn, đặc biệt từ bên ngoài.
Thứ trưởng Phương điểm lại một số kết quả: CPI bình quân 11 tháng tăng 3,02%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Sức cầu tiêu dùng trong nước tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi. Đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 11 tháng đạt gần 195.000 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung và kịp thời tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là liên quan đến hệ thống ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội có dấu hiệu chững lại hoặc giảm
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo thứ trưởng Trần Quốc Phương, tính riêng trong tháng 11, trước áp lực rất lớn của bối cảnh biến động phức tạp, khó lường của thế giới, gây thêm khó khăn đối với tình hình trong nước, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại hoặc giảm so với tháng trước, mặc dù tính chung cả 11 tháng vẫn duy trì ở mức tích cực.
"Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Fed và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ. Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại", thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới rất phức tạp, khó lường, ngày càng nhiều bất ổn, thách thức, rủi ro. Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cần thời gian để phục hồi, trong khi năng lực nội tại, sức chống chịu còn hạn chế, còn những vấn đề tích lũy lâu năm, bộc lộ rõ nét hơn trước tác động từ bên ngoài.
Một hạn chế nữa là công tác dự báo còn nhiều khó khăn, phản ứng chính sách của bộ, ngành trong một số trường hợp còn chậm, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu đề ra, chưa phối hợp chặt chẽ, chủ yếu nhằm giải quyết khi vấn đề đã phát sinh. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng cuối năm
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 1 tháng, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phát huy tinh thần chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với nhau để tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 5 năm đề ra.
Các bộ, ngành tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược; chủ động rà soát, sửa đổi các thông tư theo thẩm quyền; kịp thời trình Chính phủ sửa đổi các nghị định; tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa các luật liên quan.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác, coi đây là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bộ KH&ĐT cũng lưu ý cần theo dõi sát tình hình thế giới và việc điều chỉnh chính sách của các nước, kịp thời có đối sách phù hợp, sẵn sàng phương án điều hành khi bối cảnh thế giới thuận lợi hơn; có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn, nguồn cung xăng dầu, vật tư chiến lược; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
"Khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, nhất là áp lực từ bên ngoài làm bộc lộ rõ nét hơn những vấn đề nội tại, tích tụ lâu năm của nền kinh tế. Yêu cầu đặt ra là phải chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn để xử lý ngay, không làm tăng thêm các khó khăn, thách thức hiện thời, hạn chế tác động dây chuyền đến các ngành, lĩnh vực, động lực tăng trưởng của nền kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.