Tính hẹp hòi và cố chấp của người Việt
Khi người ta thấy trước đó bạn hẹp hòi cố chấp không tha thứ bỏ qua cho lỗi của người khác thì họ sẽ không tin bạn sẽ bỏ qua cho họ nếu họ...
Hẹp hòi và cố chấp là hai tính cách thường đi đôi với nhau, nó trái ngược với bao dung, vị tha. Trong rất nhiều bài viết về giáo dục, tôi luôn nói cha mẹ đừng trách phạt khi con nhận lỗi với mình. Hãy bao dung với lỗi của trẻ, hướng dẫn thêm cho trẻ để trẻ học bài học kinh nghiệm từ lỗi sai của mình, và khen trẻ khi trẻ làm sai mà biết tự nhận ra và tự thú nhận, xin lỗi. Đó là một hành động dũng cảm.
Ông cha ta có câu, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.” Đó là một câu triết lý thấm đẫm tư tưởng bao dung và đầy tinh thần hòa giải hòa hợp của dân tộc. Nhưng, thực tế, cách hành xử của ông bà cha mẹ trong gia đình xưa nay, cách con người ứng xử trong xã hội, cách chúng ta đang ứng xử với nhau có được như thế chưa? Hay chúng ta vẫn đã và đang ứng xử rất hẹp hòi với nhau, với cả người thân, thậm chí con cái mà không nghĩ đó là hẹp hòi, cứ lầm tưởng đó là nghiêm khắc?
Trong đời, ai không có lỗi? Ai không một lần sai? Ai cũng có. Có cái lỗi lớn, có cái sai nhỏ, có cái nhẹ hều nhưng cũng có cái làm tổn hại, tổn thương rất lớn. Khi phạm lỗi, ai cũng muốn được người khác thấu hiểu nguyên nhân, thông cảm và tha lỗi cho mình. Nhưng khi người khác phạm lỗi thì ta lại khắt khe, chỉ trích, không chấp nhận giải thích, không bỏ qua, không tha thứ, hoặc dèm pha kể cả dạy đời, thậm chí xúc phạm họ, xa lánh họ. Ta trách người không hiểu ta nhưng ta cũng không hiểu người. Cách giáo dục hà khắc của ông bà mình, theo Nho giáo, mà cũng chỉ nửa vời hời hợt, cộng với nền giáo dục hiện tại đã làm cho người Việt chúng ta ngày càng mâu thuẫn nội tại kinh khủng và nó bộc lộ hết ra mỗi khi có chuyện.
Tôi hiếm thấy người dám dũng cảm nhận mình sai. Khi gặp được những người như vậy, tôi lập tức kết bạn và mặc định có sự tin tưởng nhất định. Vì sao vậy? Vì họ là những người chịu học, chịu xét lại bản thân, dám chịu trách nhiệm cho hậu quả do lỗi của mình gây ra. Đó là người tốt. Chúng ta thường thấy nhất cảnh khi ai đó làm sai, bị “đánh” , dồn ép đến mức không thể chạy được nữa thì mới buộc phải nhận lỗi, nhận sai. Bọn trẻ con ngay trong nhà, làm vỡ cái lọ quý, nó giấu tiệt, bạn phải tra hỏi, đánh hoặc dọa đánh đã đời cuối cùng nó mới khai thật. Vì sao vậy? Có bao giờ bạn nghĩ đó là do lỗi của chính mình, của chúng ta chưa? Khi người ta thấy trước đó bạn hẹp hòi cố chấp không tha thứ bỏ qua cho lỗi của người khác thì họ sẽ không tin bạn sẽ bỏ qua cho họ nếu họ nhận lỗi với bạn. Ngược lại, người ta sợ.
Khi người ta không bao dung cho người khác thì sẽ không tin có kẻ khác bao dung mình. Có lỗi thì… thôi thôi giấu nhẹm. Người làm gì sai, phát ngôn gì chưa chuẩn, khi được nhắc, không dám nhận mình sai vì sợ cái đứa nhắc và đám đông xúm lại chỉ trỏ bàn tán thêm mắm dặm muối “đừng tin nó nữa”, “trời ơi giờ mới biết cái bộ mặt”, và nhiều lời lẽ móc máy cay nghiệt khác, người thực lòng tha thứ rất hiếm hoi. Nỗi sợ này làm người ta dù biết mình sai cũng vẫn sẽ cố phòng thủ, phản ứng tới cùng bởi biết không có đường lui. Ta gặp phản ứng này rất nhiều trên mạng. Hãy hiểu, họ không được bao dung, họ đang phản ứng trong di chứng tổn thương, và chính sự hẹp hòi, cố chấp của ta đẩy họ tới bước bất chấp. Khi ta làm gì sai, xu hướng lặp lại y chang người ta chửi mắng trước đó. Vô thức.
Sự hẹp hòi, cố chấp trong mỗi chúng ta làm cho chúng ta không thể yêu thương nhau và ghét bỏ nhau rất dữ tợn mỗi khi có ai đó phạm lỗi hoặc ta nghĩ họ có lỗi. Lỗi của người ta dù nhỏ cũng thành lớn. Rồi phản ứng qua lại. Dùng xăng cứu lửa. Rồi thì, chúng ta thấy, người Việt mình mồm thì nói yêu nhau nhưng thể hiện thì lại trái ngược hoàn toàn. Không thể làm việc cùng. Không thể đoàn kết. Không thể hàn gắn. Không thể sẻ chia. Không thể có thành công.
Làm sao để sửa tâm thức hẹp hòi, cố chấp?
Về mặt logic, xin hãy tìm hiểu và tập thói quen suy đoán vô tội. Không vội nhận định khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình, chưa bao quát các góc nhìn. Cái này thiên về mặt lý trí, loại bỏ cảm xúc yêu ghét. Khi có lối tư duy này, ta dễ dàng nhìn nhận sự việc, con người, những lỗi sai phạm một cách rõ ràng, chính xác và có tính công bằng. Khi người có lỗi nhìn thấy ở bạn sự công bằng, họ sẽ dễ nhận lỗi với bạn hơn. Bạn cũng sẽ không thể hẹp hòi và cố chấp được bởi lý trí và tính thực tế bắt bạn phải bỏ qua vì bạn đặt mục đích, lý tưởng lên trên.
Về mặt tình cảm, xin hãy nghĩ về những điều người có lỗi đã từng làm được tốt, hãy tìm hiểu nguyên nhân, tâm lý của họ, hãy nghĩ đến những gì đã có với nhau, và chậm rãi trong việc buông lời phán xét, chỉ trích, xúc phạm. Hãy dùng sự chân thành để nói nhau nghe và tỏ lòng bao dung ra trước với niềm tin người có lỗi sẽ thay đổi, cũng như ta vững tin là ta sẽ thay đổi khi ta phạm sai lầm.
Tôi biết là khó. Tôi vẫn đang trong quá trình học và tự tập cho mình, vẫn có lúc va vấp, nhưng phải tập bởi chỉ có vậy mới bỏ được sự hẹp hòi cố chấp ra khỏi đầu mình.
Dân tộc mình chịu nhiều tổn thương lắm rồi. Cày xéo thêm nhau làm chi? Chúng ta phải sửa, cho mình, cho con cháu, cho việc chung.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây .
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây .
Vài câu ngụy biện điển hình của người Việt
Mời xem video :